Bài 2: Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả “bủa vây” người tiêu dùng
Giới trẻ - Ngày đăng : 08:11, 26/12/2015
Người tiêu dùng khó có thể phân biệt đâu là mỹ phẩm thật và đâu là mỹ phẩm giả. Ảnh: Đức Nghiêm |
Trị giá hàng hóa thu giữ là 12,23 tỷ đồng, phạt hành chính hơn 5 tỷ đồng, khởi tố 2 vụ vi phạm với 3 đối tượng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận quá lớn, các đối tượng sản xuất kinh doanh TPCN, mỹ phẩm giả đã bất chấp tất cả, đồng thời lợi dụng những "lỗ hổng" trong công tác quản lý, vi phạm pháp luật với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Phát hiện nhiều vi phạm
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, đối với mặt hàng mỹ phẩm, vi phạm thủ đoạn chủ yếu của tội phạm là trực tiếp sản xuất, pha chế, sang chiết, đóng gói hàng giả. Tinh vi hơn, một số chủ đầu nậu đặt hàng từ Trung Quốc với nhiều nhãn hiệu giả mạo xuất xứ. Ngày 14-10-2015, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp Phòng An ninh kinh tế - CATP Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần Quốc tế Masscon, phát hiện, hàng hóa giả mạo xuất xứ Thái Lan, tạm giữ 1.976 thành phẩm là nước giặt, nước rửa bát; 1.390 vỏ chai nhựa chưa dán nhãn; 1.665kg nhãn giấy và hộp catong; chất tạo hương thơm...
Trước đó, ngày 7-8, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 về mỹ phẩm (Đội QLTT số 13) phối hợp với Phòng PA81 tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại số nhà 30 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phát hiện 37.839 sản phẩm mỹ phẩm, cùng một số phụ kiện trang trí móng các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp (trị giá 2,5 tỷ đồng).
Hà Nội cũng là một thị trường phân phối TPCN khá nhộn nhịp. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm hộ kinh doanh TPCN không có nguồn gốc, xuất xứ. Người vi phạm đều thừa nhận, hàng hóa được nhập từ các mối bỏ buôn tại Lạng Sơn, Quảng Ninh và một số được quảng cáo là hàng "xách tay" (?).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, trong 3 tháng cao điểm, số vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh TPCN, mỹ phẩm giả được các cơ quan chức năng của tỉnh này phát hiện là 114 vụ với 106 đối tượng vi phạm, số tiền phạt vi phạm hành chính là 495 triệu đồng; tịch thu, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá trên 13 tỷ đồng với 42 danh mục mặt hàng tương đương trên 200.000 đơn vị sản phẩm. Trong số đó, có rất nhiều hàng hóa được đặt hàng bởi các công ty từ Hà Nội.
Điển hình là ngày 19-9-2015, Chi cục Hải quan Tân Thanh phối hợp với Phòng PA81 Công an tỉnh kiểm tra lô hàng gửi kho ngoại quan của Công ty TNHH DPC Hà Nội, phát hiện 4.635 hộp TPCN; 1.490 hộp mỹ phẩm và một số hàng hóa khác không khai báo hải quan, khai sai tên hàng, chủng loại, xuất xứ. Còn theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, trong 3 tháng cao điểm, các lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện và xử phạt 112 vụ với 99 đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt hành chính là 547.500.000 đồng, tịch thu, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá 1.337.140.000 đồng với hàng chục danh mục mặt hàng là mỹ phẩm, TPCN. Trong đó có nhiều vụ phát hiện đối tượng vận chuyển mỹ phẩm các loại (dầu dưỡng, nhuộm tóc) không có hóa đơn chứng từ hợp pháp về Hà Nội.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới của mặt hàng TPCN, mỹ phẩm diễn biến phức tạp trên cả 3 tuyến: đường bộ, đường biển, đường hàng không, tập trung chủ yếu tại địa bàn Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... Với tuyến biên giới đường bộ, các đối tượng lợi dụng địa hình đường biên kéo dài, tổ chức tập kết hàng hóa tại khu vực giáp ranh rồi tìm thời cơ vận chuyển lén lút qua các đường mòn.
Tại cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, TPCN trà trộn trong các lô hàng nhập khẩu thông thường, cất giấu trong hành lý, bưu phẩm, bưu kiện... không khai báo hoặc khai sai số lượng, chất lượng, xuất xứ. Với mặt hàng này, nguy hiểm nhất là xuất hiện thủ đoạn bán hàng đa cấp, bằng các hình thức tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và quảng cáo tại các khối xóm, khu phố. Người mua thiếu hiểu biết vô tình tiếp tay cho đối tượng làm giả và gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Những "lỗ hổng" quản lý
Theo ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương, sở dĩ TPCN, mỹ phẩm giả, kém chất lượng hoành hành trên thị trường bởi:
Thứ nhất, TPCN là mặt hàng không thuộc nhóm hàng kinh doanh có điều kiện phải cấp phép, việc cấp phép quảng cáo đối với TPCN rất dễ dàng, giá các loại TPCN do không phải quy định về kê khai giá nên chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá thực tế là rất cao, từ 20%-200%, lãi lớn nên các đối tượng dễ vi phạm.
Thứ hai, trong công bố chất lượng sản phẩm, không quy định đơn vị kinh doanh phải ghi thành phần chính, chất chủ yếu, hoặc nếu có thì chỉ ghi tên vật liệu, không ghi định tính và định lượng.
Thứ ba, Cục Quản lý dược không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên việc phân loại hàng được phép và không được phép lưu hành khó phát hiện. Hiện tại hệ thống thông tin của Cục chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm, vì vậy công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mỹ phẩm nhiều loại, không cùng lô.
Thứ tư, việc giám định chất lượng để kết luận vụ việc có vi phạm là hàng giả hay hàng kém chất lượng còn mất nhiều thời gian, mỗi đơn vị giám định lại cho kết quả khác nhau, vì vậy trực tiếp gây nhiều cản trở trong quá trình xử lý vi phạm, thậm chí tiêu cực trong dịch vụ giám định. Đây là khâu yếu nhất làm các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi muốn làm rõ chất lượng TPCN.
Thứ năm, các đối tượng sản xuất hàng giả tại hai thành phố trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phần lớn là dân các tỉnh nhập cư không có hộ khẩu, không đăng ký tạm trú nên việc xác minh nhân thân lai lịch của các đối tượng để lập hồ sơ nghiệp vụ theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng lại thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, gia công tại các khu đô thị mới, nơi hẻo lánh, các khu trọ, vùng ven thành phố hoặc vùng giáp ranh giữa các tỉnh để tổ chức sản xuất...
Một nguyên nhân khác cũng cần được đề cập đó là một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý thích sử dụng hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng nên vẫn chấp nhận. Một số người tiêu dùng do chưa đủ kỹ năng nhận biết, lại thấy giá mỹ phẩm và TPCN rẻ nên hám lợi, vô tình tiếp tay cho hàng giả.
"Sử dụng TPCN giả sẽ để lại những hậu quả khôn lường", ông Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN cho biết. Về tác hại của mỹ phẩm giả, từ lâu, các chuyên gia đã cảnh báo, trong mỹ phẩm giả có chứa nhiều chất độc hại như: hương liệu tổng hợp, chất tạo màu tổng hợp tàn phá da của người sử dụng và gây nên bệnh lý về da khiến người bệnh phải chi phí tốn kém và điều trị rất lâu dài.
Song, vì lợi nhuận cũng như lợi dụng những "lỗ hổng" trong công tác quản lý và mức xử lý chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng sản xuất kinh doanh TPCN, mỹ phẩm giả đã bất chấp tất cả, tìm đủ mọi con đường để sản phẩm giả, kém chất lượng có mặt khắp nơi trên thị trường.