Kết nối cung - cầu: Tìm hướng đi mới
Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 25/12/2015
Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang giới thiệu đặc sản của địa phương tại hội nghị. |
Không chỉ kết nối trong nước, các nhà sản xuất còn tìm đến chương trình để tìm hướng xuất khẩu.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Dù sản phẩm đã được phân phối vào các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Big C và sắp tới là siêu thị Metro, nhưng cơ sở sản xuất Bàu Hút (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) vẫn có mặt tại Hội nghị kết nối cung - cầu do Bộ Công thương và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23-12 tại TP Hồ Chí Minh. "Chúng tôi tham gia hội nghị để tìm kiếm thêm cơ hội mở rộng phân phối đến các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh, vốn là một thị trường tiêu thụ lớn", ông Trần Thanh Bảo Tú, Giám đốc cơ sở này nói.
Chỉ trong buổi sáng, cơ sở này đã tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm đến các nhà phân phối lớn như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Shop&Go, Circle K, chợ Thủ Đức, chợ Bà Chiểu… Cũng theo ông Tú, cơ sở đã đi vào hoạt động được 5 năm, chuyên sản xuất những sản phẩm truyền thống như: Bì mắm của huyện Lấp Vò; sản phẩm mới, lạ như nem xông khói kết hợp giữa hương vị nem truyền thống và công nghệ chế biến Châu Âu….
Rất nhiều các sản phẩm "độc", lạ từ các cơ sở địa phương được mang đến hội nghị để tìm kiếm cơ hội tham gia vào hệ thống phân phối ở TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Trung Hiếu, chủ sản phẩm Nem Riềng Hương Quê (cơ sở chế biến thực phẩm Bình Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, cơ sở có 6-10 công nhân làm việc theo thời vụ, hiện chỉ bán tại địa phương mỗi tháng khoảng 2.000-3.000 cây nem, vì vậy ông kỳ vọng tăng doanh thu nếu được tham gia kết nối.
Mang đến hội nghị các loại thực phẩm lạ như cà chua đen, cà chua chocolate,… Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang cũng mong mỏi được kết nối để quảng bá các sản phẩm từ giống mới ra thị trường rộng rãi hơn. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sinh thái Huỳnh Quốc Sơn (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết, sản phẩm mật ong rừng thiên nhiên hiện không đủ bán nhưng vẫn tìm đến hội nghị, bởi "thị trường mật ong hiện thật, giả lẫn lộn nên chúng tôi muốn tham gia chương trình để thêm một "nhãn chứng nhận" về chất lượng, để người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm của chúng tôi", đại diên công ty này cho biết.
Nhiều cơ sở đã có đầu mối tiêu thụ cũng tìm đến hội nghị để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Ông Dương Nguyễn Minh Kha, Phó Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, HTX có 34 xã viên với hơn 17ha canh tác, mỗi năm sản xuất được khoảng 300 tấn chôm chôm. Từ trước đến nay, sản phẩm được bán ở các vựa, tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc nhưng đầu ra không ổn định. "Chúng tôi muốn tham gia chương trình kết nối để có đầu ra ổn định cho xã viên và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU để tăng giá trị sản phẩm", ông Kha nói.
Tăng "chiều sâu" cho chương trình kết nối
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết, doanh thu từ các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình kết nối ở tỉnh An Giang trong 5 năm qua là 780 tỷ đồng, tăng 20%-30%, có đơn vị tăng doanh thu đến 50%. Ông Tứ Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn tỉnh An Giang cũng cho biết, doanh số các sản phẩm trong chương trình kết nối trong năm 2015 của siêu thị này là gần 90 tỷ đồng. "Nếu DN phải bỏ thời gian đàm phán thì để có được doanh số này phải mất rất nhiều thời gian. Chương trình đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho DN", ông Sơn nói.
Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, từ khi thực hiện chương trình kết nối cung - cầu là năm 2012 đến hết tháng 11-2015 đã có 965 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương với tổng trị giá trên 20.000 tỷ đồng; trong đó TP Hồ Chí Minh tiêu thụ 13.500 tỷ đồng và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh thành trên 6.500 tỷ đồng.
Riêng 11 tháng năm 2015, TP Hồ Chi Minh tham gia kết nối với 5 địa phương, ký kết 98 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ hàng hóa. Trong hội nghị, các DN phân phối và nhà sản xuất đã ký kết thêm 273 hợp đồng. Thông qua kết nối hoạt động xuất khẩu cũng được đẩy mạnh. Trong năm 2015, Saigon Co.op xuất khẩu 3 container hàng hóa trị giá hơn 30 tỷ đồng; hệ thống siêu thị Big C xuất khẩu 1.100 container với tổng giá trị 25 triệu USD; Lotte xuất khẩu tổng trị giá 750.000 USD…
Tuy vậy, ông Lê Văn Khoa cũng cho biết chương trình vẫn còn những tồn tại như chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Sản phẩm của các địa phương có chất lượng bảo đảm, nhiều sản phẩm đặc sắc, đặc trưng vùng miền… Còn ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, trong công tác kết nối cần cải thiện khâu vận chuyển để thúc đẩy quá trình giao nhận thuận tiện, bảo đảm chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, tăng "chiều sâu" cho chương trình kết nối.