Cảnh giác khi trẻ sơ sinh bị liệt tay
Xã hội - Ngày đăng : 16:15, 24/12/2015
Bệnh nhân là bé Trần Quang Vinh, 26 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Gia Lai. Anh Trần Minh Hiển, bố của bệnh nhân cho biết, bé được chỉ định sinh thường, nặng 5,3kg. Sau 1 ngày thì gia đình phát hiện tay phải của cháu không cử động được. Tuy nhiên khi cháu khoảng hơn 1 tuổi gia đình có đưa cháu đi khám ở một vài bệnh viện, có chụp X quang nhưng không tìm được nguyên nhân. Cháu Vinh được gia đình đưa điều trị vật lý trị liệu tại bệnh viện y học dân tộc TP Hồ Chí Minh, sau đó gia đình chuyển cháu sang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh.
Bé Trần Quang Vinh sau phẫu thuật |
Bác sĩ Lê Hữu Khánh, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tay phải yếu, các ngón tay có thể cầm nắm, nhưng không thể co gấp khủy tay và không vận động được khớp vai. Qua thăm khám, chúng tôi chẩn đoán cháu bị liệt đám rối thần kinh cánh tay. Đây là tai biến sản khoa, thường gặp ở trường hợp khi người mẹ khó sinh, bác sĩ đỡ đẻ phải can thiệp bằng cách kéo vai, kéo tay để hỗ trợ đưa bé ra ngoài. Tuy nhiên, quá trình này dễ làm sợi dây thần kinh vai, tay bị giãn, có thể đứt khỏi tủy sống dẫn đến liệt tay”. Do phát hiện trễ, khiến cho việc phẫu thuật cho cháu Vinh khó đạt hiệu quả 100%. Hiện Vinh đang được các bác sĩ tiếp tục chăm sóc và tiếp tục theo dõi sau ca mổ.
Bác sĩ Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương – Chỉnh hình bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nếu phụ huynh có con bị liệt cánh tay sau sinh thì cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám trước khi bé tròn 1 năm tuổi. Đây được xem là thời gian vàng, các bác sĩ sẽ phẫu thuật nối lại dây thần kinh đứt dưới sự hỗ trợ của kính lúp, kính hiển vi để từ đó giúp thần kinh hoạt động trở lại.
Trước đây, tình trạng liệt tay ở trẻ sơ sinh chủ yếu điều trị bằng vật lý trị liệu, nhưng từ năm 2010 bệnh viện Nhi đồng 1 được các bác sĩ Pháp sang hỗ trợ giúp phẫu thuật liệt đám rối thần kinh trên trẻ nhỏ. Bình quân mỗi năm bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật cho khoảng 100 trẻ.
Bác sĩ Trần Khải Minh cho biết, liệt đám rối thần kinh tay ở trẻ sơ sinh không phải là trường hợp hiếm gặp. Ba tháng gần đây bệnh viện Nhi đồng 1 mới phẫu thuật cho 15 cháu mắc phải di chứng này. Tại các nước tiên tiến trên thế giới thì thống kê tỷ lệ trẻ sơ sinh bị di chứng chiếm 0,5-1,5% trên 1000 trẻ sinh thường. Trong đó 50% bé bị mắc hội chứng trên sẽ sẽ tự khỏi, một số khỏi nhờ vật lý trị liệu và khoảng 1% trẻ phải tiến hành phẫu thuật.
Tuy nhiên, phẫu thuật điều trị liệt đám rối thần kinh tay ở trẻ em còn là kỹ thuật khó, phức tạp. Hiện tại, Việt Nam chỉ có bệnh viện Nhi đồng 1 tiến hành phẫu thuật cho trẻ em nhờ chuyển giao công nghệ từ Pháp. Ngoài ra, bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh đảm nhận phẫu thuật liệt cánh tay cho người lớn khi họ bị đứt dây thần kinh do tai nạn lao động, tai nạn giao thông…