Cuộc “so găng” chưa có hồi kết

Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 24/12/2015

(HNM) - Trong nỗ lực nhằm gia tăng áp lực với Nga liên quan đến sự can thiệp của nước này tại Ukraine, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) lại vừa tiếp tục

(HNM) - Trong nỗ lực nhằm gia tăng áp lực với Nga liên quan đến sự can thiệp của nước này tại Ukraine, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) lại vừa tiếp tục "ra đòn" khiến cuộc chiến thương mại giữa Mátxcơva với phương Tây thêm phần căng thẳng.


Ngày 23-12, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã mở rộng lệnh áp đặt trừng phạt Nga. Danh sách trừng phạt của Mỹ gồm 14 cá nhân được cho là giúp đỡ các mục tiêu nằm trong "danh sách đen" của Mỹ, 6 thành viên phe ly khai Ukraine, 2 quan chức dưới thời cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich, 12 tổ chức - trong đó có 3 ngân hàng Nga - hoạt động tại bán đảo Crimea - một số công ty con phần lớn thuộc sở hữu của các ngân hàng Nga Sberbank và VTB.

Washington cho biết sẽ không rút lại lệnh trừng phạt đến khi Nga thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk và trả lại quyền kiểm soát biên giới hợp pháp cho láng giềng Ukraine. Lệnh trừng phạt cũng cho thấy Mỹ tiếp tục không công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga sau khi được Mátxcơva sáp nhập hồi năm ngoái. Lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra 1 ngày sau khi EU chính thức kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng, đến giữa năm 2016. Các biện pháp trừng phạt của EU gồm hạn chế cho ngân hàng quốc doanh, công ty dầu và quốc phòng của Nga vay vốn.

Phản ứng trước đòn trừng phạt mới, Mátxcơva cáo buộc Washington đang theo đuổi chính sách mâu thuẫn và chọn lập trường thù địch với Nga bằng các lệnh trừng phạt vô tác dụng, mang theo những hậu quả nghiêm trọng đến quan hệ song phương; đồng thời thông báo sẽ đưa ra biện pháp đáp trả. Với EU, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc gắn các biện pháp trừng phạt với việc giải quyết cuộc xung đột ở Đông Nam Ukraine là gượng ép, không có cơ sở và thiếu logic; đồng thời nhấn mạnh kéo dài lệnh trừng phạt Nga hoàn toàn là "đạo đức giả".

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại tay ba Nga - EU - Ukraine diễn ra ở thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 21-12 đã thất bại. Các bên đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào liên quan tới các quy định trao đổi hàng hóa khi Hiệp định Tự do thương mại giữa Ukraine và EU sắp có hiệu lực. Điện Kremlin cho rằng, Kiev và EU đồng ý tạo ra khu vực thương mại tự do sâu rộng sẽ biến Ukraine thành cửa sau để cơn lũ hàng xuất khẩu giá rẻ từ EU tràn vào Nga.

Do vậy, Mátxcơva phải dỡ bỏ tất cả ưu đãi về thương mại đã dành cho Kiev, buộc hàng xuất khẩu từ Ukraine chịu thuế suất ngang bằng với các quốc gia khác. Nga cũng sẽ cấm thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine bắt đầu từ ngày 1-1-2016. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu (EC) lại đổ lỗi cho Nga thiếu thiện chí và linh hoạt trong cuộc đàm phán.

Hiện tại, các bên liên quan tới cuộc chiến thương mại này đều đã hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo (WIFO), tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga do các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đã kéo theo những hậu quả còn tồi tệ hơn dự đoán đối với các nước thuộc EU và Thụy Sĩ. Ước tính của WIFO cho rằng, nếu EU tiếp tục duy trì trừng phạt thương mại Nga sẽ dẫn đến một thực tế: Italia sẽ mất hơn 200.000 việc làm và kinh tế giảm 0,9%; Pháp mất gần 150.000 việc làm và kinh tế giảm 0,5%. Estonia - nước có quan hệ sâu rộng với nền kinh tế Nga nhất, sẽ mất đi khoảng 16% còn nền kinh tế Đức sẽ giảm hơn 1%... Nếu tình hình không thay đổi một cách căn bản, sẽ có một kịch bản bi thảm hơn đối với kinh tế Châu Âu. Về phía Nga, các lệnh trừng phạt đã đẩy nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Mặc dù, gần đây, đại diện của cả Nga và EU đều có những phát biểu lạc quan về triển vọng kinh tế của mỗi bên song các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh lợi ích tay ba Nga - EU - Mỹ được gắn kết trong một thời gian dài, ngay cả khi kết thúc trừng phạt, việc khắc phục thiệt hại sẽ không đơn giản. Còn càng kéo dài và gia tăng mức độ căng thẳng, mức độ khốc liệt của cuộc chiến thương mại sẽ càng khó lường.

Phương Quỳnh