Cần biện pháp mạnh phòng, chống tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 06:09, 24/12/2015
Thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân đã được nêu ra.
Trong khi đó, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ quyền quản lý khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước. Đây là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển. Kế đó, việc công khai, minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trong quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước, trong công tác cán bộ... vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội…
Điều đó làm "đòn bẩy" cho tham nhũng xảy ra và ngay cả trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, dẫn đến việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý gặp khó khăn. Đối tượng tham nhũng lại là người có chức vụ, quyền hạn, nên am hiểu pháp luật, được tiếp cận nhiều thông tin, có điều kiện kinh tế, có quan hệ rộng; một số người có công lao đóng góp lớn cho xã hội, có uy tín với quần chúng... dẫn đến việc phát hiện, xử lý gặp khó khăn. Cộng với đó là chế độ tiền lương của công chức, viên chức chưa hợp lý, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, không bảo đảm cho cuộc sống…
Từ những điều phân tích trên đây, tôi cho rằng, khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn, đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ thì cần có cơ chế đặc thù, cần có những biện pháp mạnh mẽ mới có thể xoay chuyển được tình hình. Tôi cũng mạnh dạn khẳng định rằng, hạn chế hiện nay là do chưa huy động được sức mạnh to lớn của quần chúng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng; thiếu cơ chế giám sát có hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, HĐND, MTTQ và các tổ chức thành viên đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và hoạt động phòng, chống tham nhũng nói riêng; thiếu quy định cụ thể để bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng như nghiêm trị hành vi đe dọa, trả thù người tố cáo. Ngay cả việc tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng chưa thật hợp lý; điều kiện hoạt động, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị này còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm cho việc "dưỡng liêm" và tạo điều kiện cho đội ngũ này yên tâm công tác. Việc quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, trong đó có việc kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát và tòa án chưa được chú trọng.
Theo tôi, Đại hội lần thứ XII của Đảng cần thể hiện rõ hơn quyết tâm chống tham nhũng, cụ thể là cần làm rõ những nguyên nhân tình trạng đấu tranh phòng, chống tham nhũng không đạt yêu cầu đề ra; cần chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp, nhất là cấp trung ương. Nếu cơ chế, chính sách, các giải pháp về phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua không phát huy tác dụng thì phải đổi mới để bảo đảm cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả như mong muốn của nhân dân.