Phong trào thi đua thực sự là nguồn động viên đồng bào Công giáo vươn lên
Đời sống - Ngày đăng : 06:07, 24/12/2015
- Thưa ông, năm 2015 là năm phong trào thi đua của đồng bào Công giáo Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực về cả bề rộng và chiều sâu. Ông có thể cho biết một vài dấu ấn nổi bật?
- Ngay từ đầu năm, Ủy ban ĐKCG thành phố đã tổ chức ký giao ước thi đua xây dựng "Xứ, họ đạo tiên tiến", tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo trên địa bàn hưởng ứng thực hiện các nội dung của phong trào thi đua xây dựng "Xứ, họ đạo tiên tiến", "Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt" gắn với các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư - Sống tốt đời, đẹp đạo", "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh"... Năm nay, thành phố tổ chức tuyên dương các điển hình xuất sắc từ cơ sở đến thành phố. Toàn thành phố đã biểu dương 600 cá nhân điển hình là người Công giáo, trong đó 60 người được tuyên dương cấp thành phố, 6 người được tuyên dương cấp toàn quốc. Nội dung thi đua tại các xứ họ đạo khác các năm trước, tập trung vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tại các địa phương, bà con tham gia rất tích cực tạo chuyển biến tích cực trên nhiều mặt.
- Phong trào thi đua đã được cụ thể hóa thành kết quả lao động sản xuất của bà con Công giáo Thủ đô như thế nào, thưa ông?
- Ở ngoại thành và vùng ven đô, bà con Công giáo phát huy bản chất cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, tích cực xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ giáo dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư vốn phát triển sản xuất theo mô hình trang trại theo quy mô lớn cho thu nhập cao. Tiêu biểu trong đó có bà con Công giáo ở các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây… Đời sống của bà con Công giáo ngày càng được cải thiện, điển hình là các quận Ba Đình, Tây Hồ không có hộ Công giáo nghèo. So với trước đây, các hộ Công giáo có thu nhập cao hơn nhiều; từ khoảng 200 triệu đồng/năm (năm 2010), đến nay nhiều gia đình có thu nhập từ 1-2 tỷ đồng/năm như bà con trồng đào ở Tây Hồ, các hộ kết hợp dịch vụ, thương mại, sản xuất, trồng trọt ở Sóc Sơn cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm. Đây là cơ sở giúp nhiều giáo dân, giáo xứ, xứ họ hiến hàng trăm mét vuông đất làm đường, tiên phong phá tường bao, lùi hàng rào để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình công cộng. Điển hình là họ giáo Trung Xuân (Phú Xuyên) hiến hơn 400m2 đất làm đường. Họ giáo Đồng Trì (Thanh Trì) vận động bà con đóng góp ngày công, 35 triệu đồng chỉnh trang đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Nhà thờ giáo xứ Phương Trung (Thanh Oai) hiến 80m2 đất mở đường. Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Vĩnh Thọ (huyện Phúc Thọ) Doãn Ngọc Yêu hiến 27m2 đất. Giáo dân Nguyễn Đình Nhâm (xứ Lập Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) hiến 170m2 đất chỉnh trang đường làng, ngõ xóm... Tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền đã ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của bà con Công giáo trong xây dựng nông thôn mới.
- Người Công giáo vốn có truyền thống bác ái, tương trợ cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm nay, hoạt động hướng tới cộng đồng của người Công giáo có thu được nhiều kết quả?
- Trên toàn thành phố, bà con Công giáo đẩy mạnh các hoạt động bác ái, san sẻ, giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Tại nhiều nơi, họ giáo, giáo xứ đứng ra bảo lãnh vay vốn không lãi cho giáo dân có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh doanh nhỏ 10-20 triệu đồng - đây là nét mới. Hiện Hà Nội có 600 nhóm ve chai của người Công giáo quyên góp phế liệu tái chế, bán lấy tiền giúp đỡ những người bị bệnh nặng, cơ nhỡ, nghèo khó… Tiêu biểu ở các giáo xứ Hà Nội, Hàm Long, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thịnh Liệt. Tại nội thành, bà con Công giáo đẩy mạnh phong trào xây dựng đô thị văn minh, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng, lề đường phố để kinh doanh, quảng cáo, bán hàng... Tại các vùng Công giáo, trật tự trị an rất tốt, không có vi phạm hình sự, không ly hôn phức tạp, không tệ nạn xã hội. Bà con rất tích cực đấu tranh bài trừ tệ nạn, hỗ trợ người nghiện từ bỏ ma túy hòa nhập cộng đồng. Công tác khuyến học, khuyến tài được đầu tư mạnh mẽ tại tất cả các họ giáo. Điển hình là Quỹ học bổng Vũ Ngọc Bích (giáo xứ Thái Hà), mỗi năm trích lợi nhuận hơn 200 triệu đồng động viên 50 sinh viên nghèo học giỏi…
- Trong năm tới, phong trào thi đua của người Công giáo sẽ có điểm gì mới, thưa ông?
- Năm 2016 là Năm Thánh của lòng thương xót, tức Năm Thánh của lòng bác ái. Bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc những người yếu thế, người Công giáo sẽ tích cực đóng góp, ủng hộ các sự kiện lớn trong năm 2016 như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Ủy ban ĐKCG thành phố hiện đang chuẩn bị chương trình cung cấp thực phẩm, lương thực an toàn. Ủy ban sẽ phối hợp hướng dẫn, tổ chức giám sát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển thực phẩm, lương thực bảo đảm an toàn. Sản phẩm sẽ được sản xuất tại Đông Anh, Mê Linh, đóng mác rau của người Công giáo Thủ đô sản xuất, trước mắt sẽ cung cấp tại một số cơ sở nội thành, giúp cho người tiêu dùng yên tâm, bảo đảm sức khỏe...
- Xin cảm ơn ông!