Không thể nửa vời!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 24/12/2015
Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng: Ban Chỉ đạo của Chính phủ xây dựng kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng rất bài bản, nghiêm túc, nhưng một số địa phương thực hiện chưa triệt để, chỉ xây dựng kế hoạch tổng kết cấp tỉnh, việc triển khai tổng kết tại cấp quận, huyện, sở, ngành, có biểu hiệu "làm lướt" cho xong…
Thứ hai, trong những ngày này, người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước đang tiến hành kê khai tài sản theo quy định. Việc kê khai này đã được thực hiện nhiều năm, nhưng qua những vụ án xét xử tham nhũng gần đây có thể thấy: Phần lớn đối tượng tham nhũng đều nằm trong diện phải kê khai tài sản thu nhập hằng năm. Như vậy, có thể đặt câu hỏi: Việc kê khai tài sản có đạt hiệu quả như mong muốn là phòng ngừa, phát hiện tham nhũng? Những người thuộc diện phải kê khai tài sản có thực sự trung thực trong kê khai? Lương công chức đáp ứng không được 50% nhu cầu cuộc sống nhưng nhiều người vẫn sở hữu những xe đắt tiền, nhà sang trọng… vì sao? Thiếu trung thực thì việc kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức. Và hệ lụy của bệnh "hình thức" thế nào, có lẽ không phải bàn thêm.
Tham nhũng là "quốc nạn" và cũng là "quan nạn" bởi tham nhũng gắn với quyền lực. Tham nhũng lũng đoạn xã hội, làm xói mòn lòng tin vào các giá trị của xã hội, của con người. Tham nhũng là một trong những nguy cơ nghiêm trọng đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Thực trạng tham nhũng ở nước ta đang diễn biến phức tạp. Từ tham nhũng vặt đến tham nhũng dự án, tham nhũng quyền lực… các nhóm lợi ích liên kết, ràng buộc với nhau để trục lợi và để bảo vệ lợi ích riêng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do vậy, chống tham nhũng không thể "làm lướt", không thể chỉ dựa vào tính trung thực trong kê khai tài sản... Nếu việc tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng không khẳng định được quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và mỗi người dân, nếu kê khai tài sản chỉ… cho có, kê khai không gắn với công khai thì chống tham nhũng như vậy chỉ là nửa vời.
Việc gì cũng vậy, làm nửa vời chỉ có thể mang lại kết quả nửa vời. Chống tham nhũng là cuộc chiến vô cùng cam go. Tham nhũng là thủ đoạn của người có quyền, là hành vi dựa vào quyền lực để trục lợi. Đưa người có hành vi tham nhũng - người có quyền ra trước vành móng ngựa không đơn giản. Đặc biệt với những người, những nhóm người - "nhóm lợi ích" có khả năng chi phối thông tin thì việc thu thập chứng cứ càng trở nên khó khăn… Chưa nói đến chuyện khác. Phòng chống tham nhũng là vấn đề nan giải và cần sự vào cuộc của cả hệ thống một cách kiên quyết, mạnh mẽ. Trước mắt là bịt những "lỗ hổng" pháp luật, tạo cơ chế khuyến khích mọi người dân đấu tranh chống tham nhũng… Tóm lại, chống tham nhũng không thể nửa vời, không thể "làm lướt".