Sẽ có 200.000 liều vắc xin phối hợp "5 trong 1" Pentaxim
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:50, 23/12/2015
Theo đó, sẽ có sẽ có 200.000 liều vắc xin phối hợp "5 trong 1" (vắc xin Pentaxim do Công ty Sanofi Pasteur S.A, Pháp sản xuất) được cung cấp cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Trước tình hình khan hiếm vắc xin phối hợp "5 trong 1" phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của người dân trong bối cảnh suy giảm nguồn cung của các nhà sản xuất trên toàn cầu, Cục Quản lý Dược đã nhiều lần làm việc với đại diện các nhà sản xuất và đã thống nhất được số lượng vắc xin sẽ nhập khẩu về Việt Nam. Theo kế hoạch, sẽ có 200.000 liều vắc xin phối hợp "5 trong 1" (vắc xin Pentaxim do Công ty Sanofi Pasteur S.A, Pháp sản xuất) được cung cấp cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể: 160.000 liều trong tháng 12/2015 và 40.000 liều còn lại trong tháng 02/2016.
Hiện Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế đã kiểm định xong lô vắc xin nhập khẩu đầu tiên. Số vắc xin này sẽ được các công ty nhập khẩu phân phối ngay đến các trung tâm y tế dự phòng, cơ sở tiêm chủng vào cuối tháng 12/2015. Số lượng vắc xin còn lại sẽ tiếp tục được phân phối sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu của Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế.
Để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng gom hàng, tăng giá, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng, các cơ sở tiêm chủng tuân thủ đúng quy định về giá vắc xin, nghiêm cấm việc lợi dụng tình trạng khan hiếm để đẩy giá vắc xin nhằm trục lợi.
Để triển khai kế hoạch này công khai, minh bạch, hiệu quả, Cục Quản lý Dược công bố danh sách các trung tâm y tế dự phòng, cơ sở tiêm chủng sẽ có vắc xin (theo kế hoạch mà các nhà cung cấp đã báo cáo) trên toàn quốc, để Sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ vào danh sách này giám sát chặt chẽ việc vắc xin được phân phối đến các cơ sở tiêm chủng, tránh tình trạng gom hàng, tích trữ, gây khan hiếm để tăng giá. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở tiêm chủng nhằm ngăn chặn việc sử dụng trong tiêm chủng vắc xin không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng do không đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt trong bảo quản và vận chuyển vắc xin.