Cách chọn thực phẩm an toàn
Xã hội - Ngày đăng : 13:54, 23/12/2015
Chiều 23/12, ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội giao lưu trực tuyến nhằm trao đổi, chia sẻ với các độc giả Hànộimới Online về cách lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc |
Câu hỏi:Thực phẩm như thế nào được gọi là sạch (an toàn)? Có phải thực phẩm sạch là thực phẩm không bị phun hóa chất? (Độc giả Hằng Nga (quận Cầu Giấy).
- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Theo thông tư số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT, sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn là sản phẩm thuộc một trong các loại sau:
- Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP do Bộ NN & PTNT ban hành hoặc GAP khác được Bộ NN & PTNT công nhận cho áp dụng.
- Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc được Bộ NN & PTNT công nhận cho áp dụng.
Với ý bạn hỏi, thực phẩm sạch có phải là thực phẩm không sử dụng hóa chất không?
Xin trả lời, không phải. Bởi vì, cây trồng là thực vật sống, muốn sinh trưởng và phát triển được cần có đất trồng, nước tưới, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh (các yếu tố trên đều có tiêu chuẩn quy định có thể tác động tới ATTP). Giống như con người, muốn duy trì sự sống phải nhờ vào không khí, thức ăn, dinh dưỡng, phòng chống bệnh tật...
Thực phẩm sạch (an toàn) là loại thực phẩm có chất lượng đảm bảo (canh tác theo đúng quy định và sử dụng các hóa chất một cách hợp lý như : không bón các loại phân tươi; bón phân đạm kết thúc trước khi thu hoạch 10 ngày; khi phát hiện có sâu bệnh phải dùng các thuốc trong danh mục cho phép và phải tuân thủ thời gian cách ly)...
Câu hỏi:Thực phẩm sử dụng hóa chất khác với không sử dụng hóa chất như thế nào? (Nguyễn Hồng (quận Nam Từ Liêm).
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Nếu nhìn bằng mắt thường thì khó có thể nhận biết, do các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) qua quá trình chăm sóc đã được chuyển hóa vào trong các bộ phận rễ, thân, lá, hoa, quả. Chỉ khi dùng các loại chất kích thích sinh trưởng, thì nhìn cây rau xanh non, mỡ màng hơn sẽ có sự khác biệt khá rõ...
Câu hỏi:Làm thể nào để biết được thực phẩm chứa chất độc hại?(Minh Hằng - quận Đống Đa).
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Một số phương pháp nhận biết bằng mắt thường đối với rau, quả có chất độc hại như sau:
- Rau muống to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen do bị bón nhiều đạm hoặc phân bón, nước luộc khi nguội có màu xanh đen có vẩn kết tủa.
- Các loại quả đậu: Nhìn bóng nhẫy, ít lông tơ là bón nhiều đạm, phun nhiều thuốc bón lá: nếu không có vết sâu bệnh là do phun nhiều thuốc trừ sâu và không đảm bảo thời gian cách ly.
-Một số loại quả như cam, quýt, táo, lê, mận, đào: khi bề mặt quả bóng, bảo quản lâu không bị thối, hỏng tức là quả đó đã dùng các loại thuốc BVTV nhằm tiêu diệt nấm và vi khuẩn để bảo quản.
- Thịt lợn khi thấy chủ yếu là nạc mà hầu như không có mỡ, thịt có màu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất.
Vì vậy, người tiêu dùng khi mua hàng nên lựa chọn địa điểm bán hàng có uy tín, chất lượng; lựa chọn các sản phẩm có tem nhãn địa chỉ rõ ràng; lựa chọn những sản phẩm có màu sắc tươi xanh tự nhiên, cầm chắc tay, nặng tay, bề ngoài nguyên vẹn không bị trầy xước.
- Đối với rau: Tôn trọng mùa nào thức ấy; không mua các loại rau có thân, lá mập mạp, xanh non hơn mức bình thường;
- Đối với quả: Tôn trọng mùa nào thức nấy. Sử dụng nhiều các loại quả có lớp vỏ dày: chuối, cam, bưởi...
Câu hỏi:Có tình huống nghi là điểm bán rau sạch, nhưng thực tế họ lấy ở chợ đầu mối rồi về đóng gói... Xin hỏi, cơ quan quản lý có giám sát không, nếu có phát hiện ra thì xử lý thế nào? (Thúy Lan - quận Hà Đông).
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Trong thực tế đã xảy ra một số trường hợp các hợp tác xã (HTX) có hợp đồng cung cấp RAT cho các siêu thị và các cửa hàng, hoặc một số bếp ăn tập thể nhưng do nguồn RAT ở vùng sản xuất đã đăng ký không đủ số lượng cung cấp hoặc mặt hàng thiếu so với hợp đồng đã ký nên phải lấy hàng tại chợ đầu mối với những sản phẩm chưa được kiểm soát.
Về việc này, khi phát hiện có nghi vấn, Thanh tra Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng của thành phố, như: Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường... điều tra, bắt giữ.
Năm 2015, các cơ quan của thành phố Hà Nội đã bắt giữ 2 HTX vi phạm theo hình thức trên và đã có văn bản thông báo tới các nơi ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với 2 HTX trên, đồng thời, thông báo rộng rãi lỗi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.
Tại chợ Phùng Khoang của quận Nam Từ Liêm, các cơ quan liên ngành của thành phố cũng đã bắt giữ và tiêu hủy một số lượng lớn tim lợn đông lạnh đã bị thối và gần 800 kg thịt lợn bị bệnh đã bốc mùi. Các cơ quan đã thực hiện tiêu hủy số sản phẩm trên và có hình thức xử lý đối với các cá nhân vi phạm...
Câu hỏi:Cách xử lý những sản phẩm dùng hóa chất? Làm thế nào để giảm hóa chất trước khi chế biến? (Thu Hiền - huyện Thanh Trì).
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Hiện nay, trái cây và rau bán ở chợ có một số chứa một lượng tồn dư thuốc BVTV, (hoặc các hóa chất độc hại thường được người dùng trong trồng trọt sử dụng để chống côn trùng, nấm, mốc, vi khuẩn và các loại gặm nhấm...), các hóa chất tạo ra mối nguy hại cho sức khỏe. Dưới đây là một số phương pháp để giảm hóa chất chất độc có hại cho sức khỏe con người trong rau quả:
- Đối với rau qua nấu chín: Rửa nhiều lần dưới vòi nước để giảm bớt lượng hóa chất vẫn còn bám dính trên bề mặt thực vật.
- Ngâm nước hòa giấm gồm 10% giấm với 90% nước để ngâm rau quả sau đó tráng lại thật kỹ.
- Đối với rau ăn sống: sau khi rửa, ngâm với nước muối 5% hoặc thuốc tím
- Chần qua nước sôi đối với các loại quả, củ.
- Đối với quả: bỏ lớp vỏ bên ngoài, tồn dư hóa chất mắc trong các kẽ nứt của củ, quả nhưng chưa được làm sạch khi rửa.
Câu hỏi:Hiện rất nhiều trường hợp thịt, trứng gà non, tim gà đã sử dụng hóa chất làm tươi trở lại... Xin cho biết cách nhận biết thịt, trứng gà non, tim được xử lý bằng hóa chất? (Hải Hà - quận Hoàng Mai)
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Cách nhận biết thịt, trứng non, tim gà khi bị sử dụng hóa chất.
a) Thủ tục pháp lý đầy đủ:
- Thực hiện tốt các qui trình kiểm tra, giám sát theo qui định nhằm hạn chế việc sử dụng thịt, trứng non, tim gà khi bị sử dụng hóa chất. Cụ thể:
- Phải có hợp đồng mua bán sản phẩm gia cầm giữa bên mua với bên bán là các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh, chia nhỏ đóng gói... được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;
- Giấy kiểm dịch theo qui định (đối với sản phẩm gia cầm thuộc đối tượng miễn kiểm dịch phải có phiếu xuất kho hoặc sổ giao nhận sản phẩm hàng ngày có đầy đủ chữ ký của bên mua, bên bán để làm căn cứ xác định nguồn gốc);
- Khối lượng, số lượng sản phẩm vận chuyển, đối chiếu phải khớp với nội dung ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch gốc.
- Phải có dấu “Kiểm soát giết mổ” trên thân thịt hoặc dấu, tem “Kiểm tra vệ sinh thú y” trên tem nhãn hàng hóa của sản phẩm gia cầm đã được sơ chế, chia nhỏ, đóng gói.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nếu trường hợp nào không đủ các điều kiện trên thì sẽ xử lý tiến hành xử lý theo qui định. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu nghi ngờ sản phẩm động vật có mùi, màu khác thường khi đó lấy mẫu gửi xét nghiệm theo đúng qui định.
b) Nhận biết cảm quan đối với thịt lợn, thịt gà bị nhiễm hóa chất:
* Thịt lợn:
- Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh: Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2cm.
- Nhìn màu sắc: Thịt lợn có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.
- Nếu thịt sử dụng nhiều chất kích thích tăng trọng thường tích nhiều nước, có độ săn chắc kém.
Ngoài ra, nếu thịt ướp urê hoặc hàn the thì khi cầm vào miếng thịt thấy cứng hơn, không còn cảm giác mềm mại và độ dẻo dính như thịt tươi.
* Thịt gà nhuộm hóa chất:
- Da gà có màu vàng óng và đều màu nhưng phần mỡ lại trắng
- Dùng tay kiểm tra, gà tươi có da săn chắc. Tương tự, gà bị tiêm thuốc có da trơn trượt, thiếu liên kết với phần thịt.
* Tim gà ngâm hóa chất:
Khi ngâm hoá chất tim gà thường rất cứng nhưng màu nhợt nhạt, màng bao tim không dích liền với cơ tim, ấn tay sẽ bị nhũn.
Câu hỏi: Trước thực trạng gà loại thải và tồn dư kháng sinh từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam..., Hà Nội đã làm gì đề ngăn chặn loại gà này vào thành phố? (Hồng Hà - quận Hoàn Kiếm).
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn gà nhập lậu, gà loại thải từ Trung quốc vào Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, như:
+ Công điện, điện số 09/CĐ-UBND ngày 03/8/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm và phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố;
+ Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 09/11/2012 về ngăn chặn và xử lý nghiêm việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lâu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội;
+ Quyết định số 5783/QĐ-UBND ngày 11/12/2012 của UBND thành phố Hà Nội về Thành lập Đội cơ động kiểm tra liên ngành về gia cầm nhập lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội (trong đó giao Sở Công thương chủ trì công tác phòng chống gia cầm nhập lậu);
Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, như: Chi cục Quản lý thị trường, Công an, Cảnh sát môi trường, Chi cục thú y,… tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra việc lưu thông gia cầm trên thị trường Hà Nội. Đặc biệt là kiểm soát chặt tại các tuyến đường giao thông chính, triệt phá các tụ điểm nóng về kinh doanh gia cầm và tăng cường, kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chợ Hà Vỹ và một số chợ đầu mối khác trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các trạm, chốt kiểm dịch đầu mối giao thông; phối hợp với các sở, ngành chức năng thành phố trong công tác ngăn chặn gà nhập lậu;...
Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội chỉ đạo Chi cục Thú y thực hiện đúng các quy định kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra VSTY trong vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật (theo quyết định số 15/2006/QĐ-BNN và các quy định tại nghị định 33/2004/NĐ-CP) và các qui định thú y hiện hành.
Đồng thời, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã củng cố, hoàn thiện các Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng chính quyền, thú y, y tế, quản lý thị trường, an ninh trật tự địa phương… tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia cầm và các cơ sở buôn bán, tiêu thụ, sơ chế sản phẩm gia cầm; Kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về kiểm dịch, KSGM, VSTY và các qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm...
Câu hỏi:Cách nhận biết gà thải loại và gà sạch? (Sớm Mai - huyện Đan Phượng)
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Gà thải loại có đặc điểm: lông xơ xác, rụng nhiều, mào héo, khi vạch lông xem da, thấy da dày, xù xì, cựa dài, hậu môn to. Đặc biệt, mào ngả sang một bên, chân khô, mốc. Vì gà đẻ hay mổ nhau nên người nuôi thường cắt bớt mỏ, vì vậy, gà đẻ nhiều có mỏ ngắn, không nhọn, quặp...
Còn gà sạch có đặc điểm lông bóng mượt, áp sát thân, da chân gà vàng đều và sáng, mào đỏ tươi, có một số vệt vàng lớn dưới ức, cánh, hậu môn hồng hào, nhấp nháy, co bóp tốt, không có hiện tượng ướt, ra nước hoặc phân ra bất thường.
Câu hỏi: Với những gia đình và cả gia đình trong mối bữa ăn hàng ngày đều lo ngay ngáy vì thực phẩm bẩn. Hiện nay một số biện pháp giảm bớt dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, quả được lan truyền trên mạng là ngâm rau quả vào nước gạo và nước muối pha giấm. Xin ông cho biết biện pháp này có đúng không. Bản thân gia đình ông thường dùng rau ở cửa hàng hoặc chợ nào? (Minh Huệ - huyện Thường Tín).
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Tâm lý của người tiêu dùng nói chung đều lo lắng và chưa thực sự yên tâm về chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản hiện nay. Một thực tế là hiện nay người tiêu dùng cũng chưa hiểu được thế nào là sản phẩm an toàn nên khi có những thông tin về ở đâu đó sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt, kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, thủy sản là có tâm lý lo sợ, hoang mang. Tuy nhiên tại Hà Nội trong nhiều năm nay, công tác quản lý chất lượng đã được quan tâm. Công tác giám sát, kiểm tra, lấy mẫu hàng năm đã cho kết quả tốt.
Năm 2015, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện giám sát 2.270 mẫu nông lâm thủy sản gồm: rau, quả: 1.334 mẫu, thịt gia súc, gia cầm: 388 mẫu, thủy sản: 396 mẫu, chè: 82 mẫu, cà phê: 30 mẫu, gạo: 30 mẫu, sữa 10 mẫu. Số mẫu vượt mức giới hạn tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn thực phẩm: 118/2.236 mẫu có kết quả, chiếm 5,28%, tỷ lệ mẫu vượt mức mức giới hạn tối đa cho phép giảm 13% so với năm 2014 (6,07%). Trong đó, đáng chú ý có 2,6% mẫu vượt mức giới hạn tối đa cho phép chỉ tiêu hóa học. Phát hiện 16 mẫu thịt có Salbutamol, tuy nhiên chỉ có 01 mẫu dương tính với Salutamol theo Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT
* Giám sát vật tư nông nghiệp: Lấy mẫu giám sát định kỳ 83 mẫu nước sinh hoạt, 168 mẫu thức ăn chăn nuôi kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng và chất cấm trong TĂCN. Kết quả 100% mẫu đạt yêu cầu.
Tôi muốn thông tin về số liệu giám sát trên để người tiêu dùng không quá lo lắng vì ngoài việc kiểm tra giám sát các cơ quan quản lý nhà nước thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp quản lý như tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho người sản xuất, hỗ trợ đào tạo tập huấn, hình thành các vùng sản xuất tập trung để quản lý về ATTP.
Việc sử dụng giấm trắng pha với nước và sử dụng nước gạo để giảm bớt dư lượng hóa chất trên rau quả, cá nhân tôi chưa có những kết quả phân tích khoa học cụ thể nhưng theo tôi có thể việc thực hiện trên đã tạo ra những phản ứng hóa học có lợi khi tác động với các hóa chất bám trên rau quả. Đây là một số mẹo nhỏ đã được người tiêu dùng thực hiện lâu nay.
Bản thân gia đình tôi ở phường Láng Hạ, nên tôi vẫn thường xuyên mua rau ở ngay siêu thị mini 111 Láng Hạ kinh doanh rau thịt. Cửa hàng kinh doanh này đã được cơ quan quản lý của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Câu hỏi:Trên thị trường có một số máy kiểm tra dư lượng hóa chất trên rau, hoa quả với giá bán rất khác nhau: có loại 700.000-800.000đồng/chiếc, nhưng có loại 10 triệu đồng/chiếc. Xin ông cho biết, các loại máy đó độ chuẩn xác bao nhiêu %, người dân có nên mua sử dụng? (Hải An - huyện Thanh Oai).
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
Theo Thông tư số 13/2010/TT-BYT ngày 12/5/2010 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, trong đó nêu “Tất cả các bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm có nguồn gốc sản xuất trong nước và sản xuất tại nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam (không bao gồm hàng tạm nhập tái xuất) đều phải được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận và số đăng ký lưu hành trước khi lưu hành tại Việt Nam để thử nghiệm các chỉ tiêu đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành cho 23 test nhanh, trong đó có nêu độ chính xác của phép thử (Chỉ tiêu phân tích).
Trên thực tế, trình độ khoa học kỹ thuật cho phép 1 loại dụng cụ hoặc bộ kít kiểm tra nhanh chỉ kiểm tra được 1 chỉ tiêu hoặc 1 nhóm chỉ tiêu trong số rất nhiều chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu để chỉ thị mức độ an toàn thực phẩm của sản phẩm
Theo Quyết đinh số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế ban hành về việc “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm” trong đó có quy định rõ mức giới hạn cho phép của các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, trong khi đó các máy kiểm tra nhanh chỉ kiểm tra được ở mức độ định tính (Có phát hiện được hoạt chất đó hay không), không kiểm tra được định lượng (Hàm lượng chất còn tồn dư trong sản phẩm).
Theo quy định tại Điều 15 của Thông tư 13/2010/TT-BYT, các bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm được sử dụng kiểm tra nhanh phục vụ kiểm soát vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm và kiểm tra nhanh giúp chủ hộ, cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn thực phẩm và hỗ trợ cho công tác kiểm tra, thanh tra (nhưng kết quả kiểm tra nhanh chỉ mang ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm, không sử dụng làm cơ sở để xử lý vi phạm).
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và quyền lợi cho người tiêu dùng không nên dựa hoàn toàn vào kết quả kiểm tra của các kit thử nhanh.
Do vậy không nên mua các kit thử nhanh.
Câu hỏi:Cách phân biệt trái mít, đu đủ, xoài chín tự nhiên và sử dụng hóa chất giấm chín quả?(Thanh Hương - quận Cầu Giấy).
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
- Quả chín tự nhiên, bằng cảm quan có thể nhận thấy:
+ Đối với quả chuối: quả căng, vỏ màu vàng, trên cùng một nải chuối có một vài quả chín xen kẽ, quả chín có mùi thơm đặc trưng, nếu nếm thử có vị ngọt đậm, ngon.
Chuối chín ép có màu vàng bắt mắt nhưng cuống vẫn còn xanh, bóp nhẹ có cảm giác cứng. Khi ăn, thịt chuối vẫn sượng và không có mùi đặc trưng.
Chuối chín cây có màu vàng đậm, vỏ căng tròn và thường có chấm màu đen. Khi ăn cảm thấy mềm, vị ngọt thanh và thơm. Khi mua chuối, nên chọn những nải chuối chín lác đác, nghĩa là quả chín, quả xanh và màu không được đẹp cho lắm.
+ Mít: quả căng, gai tù, khoảng cách giữa các gai thưa, tỏa ra nùi thơm đặc trưng, nếu nếm thử có vị ngọt đậm, những giống mít có mật thì khi chín sẽ có mật trong múi mít.
Mít chín cây có màu vàng óng, cùi dày, vị ngọt bùi, bổ ra không có nhiều nhựa. Khi mít chín sẽ có mùi thơm đặc trưng, đứng ở xa cũng cảm nhận được mùi thơm. Mít chín cây thân thường rất mềm. Mắt mít nở to, gai không nhọn và thưa hơn so với lúc mít còn xanh.
Mít chín ép dù múi vẫn vàng nhưng ăn lại có cảm giác bị sượng, mít không có mùi thơm như mít chín cây thậm chí là không có mùi. Ngoài ra, mít chín ép có gai nhọn, cứng và dày...
+ Xoài: quả căng, vai tròn, cuống nhỏ, gọn, có mùi thơm đặc trưng. Quả khi xử lý thuốc giấm quả: nếu sử dụng đúng thời điểm, đúng nồng độ của các loại thuốc giấm thì sẽ không còn dư lượng thuốc trên bề mặt quả nữa, mặt khác sản phẩm quả đạt chất lượng tương đương thậm chí tốt hơn chín tự nhiên.
Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng thuốc giấm quả còn tùy tiện: người dân thường thu hoạch sớm hơn, khi quả chưa đạt độ chín sinh lý (tích lũy về lượng), sau đó mang nhúng thuốc giấm (lượng thuốc tùy tiện). Quả sau khi giấm, thường vẫn còn góc cạnh đã có màu vàng (chuối) hoặc thơm nhưng còn sượng (mít) hoặc chín không đều (cuống quả màu vàng, chôn quả màu xanh - xoài)...
Câu hỏi:Cách nhận biết thịt bò, thịt lợn, tôm, cá có sử dụng hóa chất để làm tươi? (Thanh Hà - quận Hoàng Mai, Lan Anh - huyện Phú Xuyên).
-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc:
1. Các loại thịt, tôm, cá ngon:
- Đối với các loại thịt tươi ngon, có đặc điểm là khối thịt rắn chắc, có độ dính, đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có mùi thơm đặc trưng, không bị ra nước.
- Đối với tôm, cá ngon, có đặc điểm vỏ tôm sáng bóng và đậm màu; thân mềm và cong; đuôi xếp đều và cụp xuống; đặc biệt là phải còn nguyên chân, càng, gai và râu; cá tươi ngon có thân chắc, mang cá còn đọng máu, có mùi tanh đặc trưng.
2. Các loại thịt, tôm, cá có sử dụng hóa chất:
- Đối với các loại thịt có sử dụng hóa chất, có đặc điểm là nhìn thớ thịt to, màu sắc không đồng đều, không có độ bám dính, không đàn hồi, không có mùi tanh đặc trưng, không có màu tự nhiên.
Lưu ý: Tốt nhất, nên chọn mua thịt, hải sản ở những nơi có sự quản lý, có uy tín. Nên chọn mua loại thực phẩm được bảo quản tốt trong hệ thống cấp đông, tủ lạnh hoặc trong đá bào nhỏ phủ kín…
3. Cách nhận biết sản phẩm có hóa chất:
a) Thịt bò bơm hóa chất: Thịt bò bị bơm hóa chất thường nhão, có màu sắc không đều, không tự nhiên. Đặc biệt, cách nhận biết thịt bò bị bơm hóa chất khi ấn tay vào miếng thịt và bỏ ra thì có vết tay hằn trên miếng thịt. Khi thái thịt bò thì không dính dao và quan sát kỹ bạn sẽ thấy nước rỉ ra.
Còn đối với miếng thịt bò ngon, thớ thịt nhỏ, dù ấn mạnh ngón tay vào thịt nhưng khi nhấc ngón tay ra thịt sẽ không để lại vết hằn.
b) Thịt gà bơm hóa chất:
- Da gà có màu vàng óng và đều màu nhưng phần mỡ lại trắng.
- Dùng tay kiểm tra, gà tươi có da săn chắc. Tương tự, gà bị tiêm thuốc có da trơn trượt, thiếu liên kết với phần thịt.
c) Thịt lợn bơm hóa chất:
+ Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh: Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2cm.
+ Nhìn màu sắc: Thịt lợn có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.
+ Nếu thịt sử dụng nhiều chất kích thích tăng trọng thường tích nhiều nước, có độ săn chắc kém.
Ngoài ra, nếu thịt ướp urê hoặc hàn the thì khi cầm vào miếng thịt thấy cứng hơn, không còn cảm giác mềm mại và độ dẻo dính như thịt tươi.
d) Tôm bơm hóa chất:
Tôm bị bơm hóa chất và tạp chất thường có phần đuôi bị tòe, thân thường thẳng, căng mập, các đốt trên thân tôm bị giãn hết ra, nhất là đoạn giữa đầu và thân tôm. Mang tôm bị bơm rất cứng, thẳng và phồng căng chứ không mềm, phẳng và bám chặt vào đầu tôm, khi nấu, ăn rất nhạt, bở và dễ bóc vỏ.
Tôm bị ngâm urê thường bị trương nước, vỏ rất căng và cứng, nhất là phần mang. Quan sát kỹ sẽ thấy phần đầu không chắc, bị phù và gần như rời khỏi thân; gai tôm vểnh, màu sắc vỏ nhợt nhạt chứ không đậm như tôm sạch. Khi nấu ra nhiều nước, có mùi lạ, thịt teo và ăn rất nhạt, xơ cứng.
e) Cá bơm hóa chất:
Cá ướp hàn the, urê nhìn thấy rất tươi nhưng mang cá không đỏ, khi ấn tay vào thân cá thì thấy mềm, mình cá lõm xuống do độ đàn hồi thấp, mắt cá lõm vào trong, ngửi cá có mùi lạ chứ không phải mùi tanh đặc trưng của cá, khi nấu, nổi những bọt đen trên mặt nước, đồng thời xương cá cũng đen, thịt cá không có độ ngọt, thơm tự nhiên mà thịt mềm, nhũn, hôi...