Lấy chuẩn người giàu xây nhà cho người nghèo?

Bất động sản - Ngày đăng : 07:23, 23/12/2015

(HNM) - Xây nhà cho người nghèo nhưng quy định diện tích lớn cùng các tiện ích hiện đại khiến giá nhà tăng cao, đối tượng lẽ ra được thụ hưởng, vì thế, không thể tiếp cận được. Việc áp tư duy người giàu để xây nhà cho người nghèo khiến chiến lược phát triển nhà ở xã hội rơi vào bế tắc.

Vẫn ít nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng nhà ở xã hội.


Người nghèo khó tiếp cận

Hiện giá nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, nhà ở dành cho người thu nhập thấp nói chung khoảng 10 triệu đồng/m2. Với mức thu nhập của đại bộ phận người dân khoảng 5 - 8 triệu đồng/tháng thì rất khó mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, mức thu nhập được xem là khá (10 - 15 triệu đồng/tháng) cũng chỉ có thể sở hữu nhà có diện tích khá nhỏ (40 - 55m2).

Theo các chuyên gia, người thu nhập thấp đô thị hiện nay rất khó thực hiện được ước mơ sở hữu căn nhà để an cư lạc nghiệp. TS Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright chỉ ra rằng, người dân hiện nay chỉ có thể tích lũy tối đa 30 - 40% thu nhập để dành cho việc mua nhà. Giá bán nhà nêu trên cộng với mức thu nhập bình quân không cao khiến người thu nhập thấp ở đô thị khó có thể mua nhà. Không những thế, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị hiện nay lại không có những quy định cụ thể cho việc phát triển nhà ở xã hội khiến cho ước mơ "an cư" của người thu nhập thấp càng trở nên xa vời.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở Bình Dương, ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Becamex IDC (Bình Dương) cho biết, thời gian đầu xây dựng nhà ở xã hội không có người ở dù lượng người nhập cư vào Bình Dương rất lớn. "Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi nhận ra rằng, xây nhà ở xã hội thường được thực hiện bởi những người giàu, họ lấy tư duy người giàu để xây nhà cho người nghèo dẫn đến sự không tương thích về điều kiện, nhu cầu, nếp sống", ông Nguyễn Hồng Hải cho hay. Theo ông Hải, nếu xây dựng nhà thu nhập thấp mà đòi hỏi phải có phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp riêng biệt theo "chuẩn người giàu" thì chi phí sẽ đội lên, kéo theo giá nhà sẽ tăng cao, người nghèo khó tiếp cận.

Để thị trường điều chỉnh

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 10 triệu dân, trong đó đa phần là dân nhập cư nhưng số lượng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp lại khá khiêm tốn. Hiện thành phố đang loay hoay tìm mô hình phù hợp để phát triển loại nhà ở giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân. Đối với loại hình nhà ở xã hội, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi khi một bên cho rằng, Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo, bên khác lại đề nghị phải xã hội hóa đầu tư. Thực tế cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh, thị trường nhà ở phi chính thức, nhà ở mà người dân tự xây theo nhu cầu lên tới 90%, khu vực chính thức chỉ chiếm 10%. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản lại chưa mặn mà tham gia vào loại hình nhà ở xã hội do chính sách của Nhà nước chưa thu hút được họ. Mặt khác, tiền sử dụng đất hiện nay quá cao, trong khi lại hạn chế số tầng cũng khiến không ít doanh nghiệp chùn chân.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần đưa nhà ở xã hội vào quỹ đạo vận hành của thị trường bởi xét cho cùng, đây cũng là một phần của thị trường nhà ở hiện nay. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu. Liên quan đến vấn đề giá, theo TS.KTS Võ Kim Cương, chỉ cần Nhà nước hỗ trợ được giá đất thì giá nhà ở xã hội sẽ giảm đi đáng kể. Đồng tình với nhận định này, nhiều ý kiến cho rằng với nhu cầu rất lớn như hiện nay, Nhà nước không thể gánh nổi ngân sách mà chỉ có thể điều tiết từ cơ chế chính sách. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long cho rằng, nếu được hỗ trợ tối đa từ chính sách như giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ vay vốn thì nhà ở xã hội sẽ là kênh đầu tư tiềm năng, an toàn và hiệu quả cho doanh nghiệp.

Theo luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), phải có giải pháp để loại hình nhà ở này ngày càng phát triển rộng rãi. Còn theo TS Huỳnh Thế Du, việc mở ra cơ chế thông thoáng để tận dụng mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội là rất cần thiết.

Nguyễn Lê