Dùng xe công 'làm luật', tài xế Sở Giao thông bị đuổi việc
Đời sống - Ngày đăng : 11:53, 22/12/2015
Sáng 22/12, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Nghệ An cho biết đã đình chỉ công tác, buộc thôi việc đối với Nguyễn Viết Hoàng (35 tuổi, lái xe của sở) vì vi phạm quy chế quản lý phương tiện khi sử dụng xe công vào mục đích cá nhân.
Cụ thể, tài xế Hoàng dùng xe biển xanh của Sở Giao thông Nghệ An sang địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dừng một số xe tải, kiểm tra giấy tờ và thu tiền bất chính của tài xế.
"Hoàng thừa nhận thu tiền của các tài xế mỗi người từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng. Anh này làm việc tại cơ quan được hơn một năm, nay chúng tôi đã hủy hợp đồng lao động. Mọi việc đang được chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ", ông Kỳ nói.
Chiếc xe biển xanh mà Hoàng điều khiển sang Hà Tĩnh l"àm luật" tài xế xe tải. |
Trước đó, khoảng 15h chiều 19/2, Hoàng lái xe biển xanh của Sở Giao thông Nghệ An chở theo một người nữa chạy sang địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Một số người dân trông thấy ông Hoàng không mặc thường phục thanh tra giao thông nhưng lại đứng làm việc với một tài xế xe tải ở địa bàn xã Xuân Mỹ.
Họ cho rằng ông này có hành vi "làm luật", nên đến gặp có ý kiến và định báo lực lượng chức năng Hà Tĩnh. Ông Hoàng nhận mình "là lực lượng ở Nghệ An sang tăng cường", rồi lên xe bỏ đi.
Sự việc sau đó được trình báo tới nhà chức trách huyện Nghi Xuân. Khoảng 16h cùng ngày, khi Hoàng đang lái xe qua trạm thu phí Cầu Bến Thủy để về Nghệ An thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Nghi Xuân tiếp cận, yêu cầu về trụ sở làm rõ.
Kiểm tra, cảnh sát phát hiện trong hơi thở của Hoàng có nồng độ cồn vượt mức cho phép nên đã bị lập biên bản để xử phạt hành chính, dự kiến theo khung khoảng 10 đến 15 triệu đồng. Hồ sơ vụ việc sau đó được chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi "làm luật" các tài xế xe tải như người dân phản ánh.
Trao đổi với phóng viên, trung tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng công an huyện Nghi Xuân cho biết, bước đầu xác định việc người dân tố cáo là đúng, Hoàng đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. Đơn vị đang triệu tập Hoàng và một số người liên quan làm rõ để đưa ra hình thức xử lý hình sự hay hành chính.
Một lãnh đạo phòng CSGT Hà Tĩnh cho hay, theo quy định thì thanh tra giao thông khi làm việc với người tham gia giao thông thì phải mặc trang phục ngành, đeo phù hiệu, có nhật ký lịch trình.
"Chúng tôi đang lấy lời khai những bị hại, bước đầu họ thấy bị dừng xe nên cũng có lại thỏa thuận để được cho đi. Việc này cũng do tâm lý lo sợ của các tài xế, họ chưa hiểu hết pháp luật, không biết rằng ông này không được phép dừng xe kiểm tra", trung tá Thành nói.