Cuộc bầu cử khó khăn của xứ Bò tót

Thế giới - Ngày đăng : 06:43, 22/12/2015

(HNM) - Không ngoài dự đoán, đảng Nhân dân (PP) cầm quyền của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 20-12. Với 80% số phiếu được kiểm, PP giành được 124 ghế, tiếp đến là đảng Xã hội với 94 ghế, đảng cánh tả chống các biện pháp

Đảng Nhân dân (PP) bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Tây Ban Nha M.Rajoy đã giành nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử ngày 20-12.


Mặc dù có nhiều ghế nhất tại quốc hội, nhưng đảng Nhân dân của ông M.Rajoy lại không giành được đa số (quy định chiếm đa số là 176 ghế tại quốc hội), do đó, chỉ trong trường hợp có sự hợp tác giữa đảng Nhân dân và đảng Xã hội, hoặc sự kết hợp của nhiều hơn hai đảng, mới tạo được một liên minh ổn định. Kết quả bỏ phiếu đã cho thấy sự phân chia sâu sắc giữa các đảng phái trong quốc hội Tây Ban Nha.

Cuộc bầu cử ở Tây Ban Nha diễn ra trong bối cảnh uy tín của đảng PP cầm quyền đang giảm sút do tác động của các vụ bê bối tham nhũng, chính sách "thắt lưng buộc bụng" và tỷ lệ thất nghiệp dù đang được cải thiện nhưng vẫn ở mức 21,1%. Đây là tỉ lệ cao nhất Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nếu không tính Hy Lạp.

Thất nghiệp cao, thiếu cơ hội việc làm trở thành mối lo ngại của cử tri Tây Ban Nha. Chiến dịch tìm kiếm độc lập của vùng Catalonia cũng là một vấn đề mà chính phủ mới phải đối mặt. Trong hoàn cảnh như vậy, các nhà phân tích cho rằng đây là cuộc bầu cử khó khăn nhất trong vòng 40 năm qua ở đất nước này khi chứng kiến sự đối đầu giữa thế hệ đi trước - có xu hướng ủng hộ các đảng có truyền thống - và thế hệ trẻ chủ yếu ủng hộ đảng Podemos và đảng Ciudadanos.

Thủ tướng M.Rajoy, lãnh đạo của đảng PP cầm quyền, đã lên nắm quyền ở xứ Bò tót vào năm 2011 trong lúc quốc gia Tây Nam Âu đang bị phủ bóng đen với tỷ lệ thất nghiệp 23%, nợ công cao và tăng trưởng bằng 0. Khi đó, người dân Tây Ban Nha đã trao cho ông M.Rajoy và đảng của ông chìa khóa để bắt đầu công cuộc cải tổ đất nước. Nhưng bốn năm sau, tương lai của nền kinh tế Tây Ban Nha vẫn chưa chắc chắn và quyền lực của ông M.Rajoy cũng vậy.

Một vụ bê bối tham nhũng lớn mà cả hai đảng có uy tín (Nhân dân, Xã hội) đều bị nghi ngờ, một nền kinh tế phục hồi chậm chạp và dễ tổn thương đã thổi bùng sự ngờ vực với hai đảng này. Ngoài ra, sự nổi lên của một số chính trị gia trẻ tuổi, có sức hút, điều hành các đảng cấp tiến cũng được cho là một thách thức tiềm ẩn với những người bảo thủ vừa "thắng cuộc". Kinh tế sa sút đã tiếp sức cho phong trào đòi độc lập của xứ Catalonia manh nha từ lâu bỗng phát triển mạnh.

Nguyên nhân là do người dân vùng Catalonia thấy "bất công" khi nhận ngân sách không tương xứng với tiền thuế đóng góp. Vùng này phải chia sẻ gánh nợ với các khu vực được cho là yếu kém, trong khi họ đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương. Nhiều người Catalonia tin rằng, họ có thể xây dựng nền kinh tế thành công theo một chừng mực nào đó sau khi độc lập với Tây Ban Nha và thậm chí là phát triển hơn. Theo các nhà hoạt động đòi độc lập cho xứ Catalonia thì chính quyền Tây Ban Nha hiện nay đã điều hành nền kinh tế suy thoái kể từ năm 2008, là không hiệu quả như mong đợi.

Qua lá phiếu, cử tri Tây Ban Nha cho thấy, họ không còn đặt cược niềm tin vào chính phủ cánh hữu. Sau 4 năm cầm quyền, cánh hữu tuy đã giúp Tây Ban Nha phục hồi ít nhiều về kinh tế, thế nhưng chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã đẩy nhiều tầng lớp dân cư vào tình trạng thất nghiệp, nghèo khó. Quan trọng hơn, trong cuộc thăm dò ý kiến cử tri trước thềm bầu cử, hai đảng mới là Podemos và Ciudadanos đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Và dù kết quả đảng PP cầm quyền có giành chiến thắng thì chắc chắn là các đảng mới đã tập hợp thành một lực lượng chính trị thứ ba, đủ để làm lung lay mô hình lưỡng cực truyền thống ở xứ Bò tót: Tả hữu luân phiên nắm quyền.

Thùy Dương