Những bài ca về lực lượng vũ trang thời kỳ tiền khởi nghĩa của Bác Hồ
Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 22/12/2015
Về quân sự và đấu tranh vũ trang chỉ riêng hai năm 1941, 1942, sau khi Bác viết tác phẩm Cách đánh du kích gồm 13 chương, xác định du kích là gì, cách tổ chức các đội du kích, những nguyên tắc và chiến thuật đánh du kích… đây là một trong những tác phẩm đầu tiên thể hiện tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, là sự chuẩn bị về tư tưởng lý luận và tổ chức cho việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Tiếp đó Bác viết một loạt bài ca Hoan nghênh thanh niên học quân sự, Ca đội tự vệ, Bài ca du kích, Thơ du kích. Những bài ca này rất giản dị, mạch lạc, mạnh mẽ, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ đi vào lòng người, gợi suy nghĩ, đánh thức lòng yêu nước tiềm tàng khiến mọi người từ nhận thức, đã tự giác biến thành hành động cụ thể tham gia luyện tập quân sự, gia nhập đội du kích.
Buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ảnh tư liệu |
Bài ca đầu tiên Hoan nghênh thanh niên học quân sự Bác viết để giác ngộ, động viên, khuyến khích, cổ vũ thanh niên tích cực tham gia học quân sự. Muốn vậy, trước nhất Bác thuyết phục thanh niên bằng thực tế hiện tại, cho nên ngay vào đầu bài ca, Bác nêu thực trạng đất nước: Nước ta đã mất lâu rồi,/ Đồng bào khổ cực, suốt đời gian nan!/ Suốt đời chịu kiếp lầm than,/ Sưu cao, thuế nặng, cơ hàn xót xa. Và, hai câu hỏi được đặt ra: Vì ai tan nát cửa nhà,/ Chồng lìa vợ, con lìa xa tơi bời?/ Vì ai non nước rã rời,/ Giống nòi sỉ nhục chơi vơi thế này? Vì ai? Câu trả lời trực tiếp, đích thị là: Vì giặc Nhật, vì giặc Tây. Thanh niên cũng không nằm ngoài thực trạng đất nước. Học hành, công việc đều khó khăn, bị cản trở, muốn thoát khỏi ngu hèn đâu có được, hậu quả Người giam Hà Nội, kẻ tù Sơn La. Trước thực trạng đất nước và tình cảnh thanh niên, muốn thoát khỏi, phải làm gì, làm như thế nào, Bác chỉ rõ, vạch đường, đồng thời đây cũng chính là lời kêu gọi hành động: Phải ra đây học hành, phải cho oanh liệt, gan phải to, chí phải bền, phải nghiêm kỷ luật, phải chuyên tập tành, phải trung thành, phải dũng cảm, phải hy sinh, phải rất thuận hòa, phải nhớ mình là người Nam, phải siêng học, phải siêng làm, phải siêng gắng lo. Phải và phải, mười bốn chữ phải dày đặc trong bài ca. Chưa có bài thơ, bài ca nào của Bác nhiều chữ phải đến thế. Thanh niên là rường cột quốc gia, thanh niên phải đi đầu. Người giỏi giang, cùng một lúc phải làm được nhiều việc, mà trước hết là phải học: Một là học việc nhà binh,/ Hai là học biết tình hình nước ta. Bác khích lệ: Thanh niên là chủ nước nhà,/ Phải cho oanh liệt mới là thanh niên.
Phải cùng dân tộc đánh Tây đuổi Nhật, giành quyền tự do. Đó là bổn phận, là nghĩa vụ, là trách nhiệm cao cả của thanh niên. Vai trò của thanh niên rất to lớn trong sự nghiệp to lớn của dân tộc. Cuối bài ca Bác khẳng định: Sự nghiệp này là rất to,/ Thanh niên ta phải gắng lo, mới thành. Bác rất quan tâm đến thế hệ trẻ, đặt họ đúng vị trí trong lực lượng cách mạng, trong sự nghiệp giành độc lập cho đất nước, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tiếp sau bài ca Hoan nghênh thanh niên học quân sự là mấy bài ca viết về du kích. Bác nói rõ vì sao phải thành lập các đội du kích, vì sao phải cầm vũ khí và Bác lý giải bởi bọn thực dân, phát xít rất dã man: Nó cướp nước ta, cướp của, đốt nhà, đánh trẻ con, hãm hiếp đàn bà, bắn thanh niên, giết người già. Bác chỉ ra: Ta muốn sống,/ Phải tham gia,/ Đánh du kích,/ Đuổi địch ra. Đánh như thế nào: Không có súng,/ Ta dùng dao,/ Ta dùng cuốc,/ Ta lấy đòn ghính,/ Ta nhổ cọc rào,/ Hễ thấy địch,/ Cứ xông vào,/ Đánh cho chúng nhào. Những lời ca quyết liệt, dứt khoát của một ý chí quyết tâm, một khí thế cách mạng cuồn cuộn xông lên được thể hiện trong các bài ca du kích. Muôn người như một cho một mục đích chung. Tất cả tham gia du kích không phân biệt trẻ, già, lính, dân, đàn ông, đàn bà, tất cả cùng hành động. Tất cả nhằm một mục tiêu: Thấy Tây cứ chém phứa,/ Thấy Nhật cứ chặt nhào.
Trên thực tế những năm trước ngày Tổng khởi nghĩa, phong trào du kích phát triển rất nhanh. Đầu năm 1942 Bác chỉ thị phân tán đội du kích thoát ly đầu tiên ở Cao Bằng về xây dựng lực lượng vũ trang ở các địa phương. Các đội du kích địa phương lần lượt ra đời khắp cả nước. Sự vận động nhanh, mạnh của du kích như những cơn lốc khẳng định sức mạnh vô tận không gì có thể ngăn nổi: Du kích ngày càng mạnh,/ Du kích ngày càng cao./ Ào, ào, ào…/ Ào, ào, ào…
Những năm 1944, 1945 tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến quan trọng, phong trào cách mạng tiến tới cao trào, đòi hỏi phải có lực lượng quân sự chủ lực, nòng cốt, tiên phong đáp ứng yêu cầu mới, Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và ngày 22-12-1944, một ngày lịch sử, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đời tại căn cứ địa cách mạng và từ đây lớn mạnh, tỏa khắp đất nước. Khi giờ phút quyết định vận mệnh dân tộc, điều kỳ diệu đội quân chủ lực cùng đội quân du kích đã cùng toàn dân vũ trang làm cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thắng lợi Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2015) và 26 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, đọc những bài ca của Bác viết về lực lượng vũ trang thời kỳ tiền khởi nghĩa càng thấm sâu giá trị tinh thần mà Bác để lại, thêm một kênh hiểu biết góp phần cho việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự và đấu tranh vũ trang.