Xử lý công trình xây dựng không phép tại Chùa Hương: Chờ... đủ tư liệu khoa học!
Văn hóa - Ngày đăng : 06:14, 22/12/2015
Các ý kiến thống nhất khẳng định: Công trình này xây dựng khi chưa có sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan di tích, nhưng để có thể đưa ra hướng giải quyết tối ưu, cần có sự nghiên cứu toàn diện hơn.
Hương nghiêm Giảng đường được xây dựng bề thế. Ảnh: Thu Hiền |
Không phù hợp, trái với các quy định
Hành hương về đất Phật Hương Sơn, đến sân Thiên Trù, nhìn sang bên trái là Hương nghiêm Giảng đường. Công trình cao hai tầng với diện tích mỗi sàn khoảng 400m2, mái cong, lợp ngói. Bên trong có nhiều phòng, các phòng được phân chia một cách tương đối để tiếp khách, hội họp, phục vụ việc ăn nghỉ, sinh hoạt cho tăng ni, phật tử nhà chùa trong mùa lễ hội. Phía mặt ngoài công trình được trang trí một số họa tiết, hoa văn khác lạ so với họa tiết, hoa văn của chùa Việt Nam truyền thống. Theo PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đặt trong không gian cổ kính, trang nghiêm của quần thể di tích Chùa Hương, công trình Hương nghiêm Giảng đường nhìn rất cao và chướng mắt.
Trao đổi với các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BQL Khu di tích và danh thắng Hương Sơn cho biết, công trình Hương nghiêm Giảng đường được xây dựng trên phần diện tích của hai dãy nhà nghỉ trọ dành cho khách hành hương đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhận thấy sự cần thiết phải có nơi đón tiếp khách và nơi ăn nghỉ, sinh hoạt cho tăng ni, phật tử, năm 2011, nhà chùa đã làm đơn gửi lên huyện xin phép xây dựng công trình. "Khi nhà chùa gửi đơn, chúng tôi có hướng dẫn cho nhà chùa các thủ tục xin phép xây dựng và được nhà chùa cho biết, nhà chùa sẽ vừa thi công, vừa hoàn thiện thủ tục. Quá trình xây dựng công trình này từ năm 2011 đến năm 2013, chúng tôi có biết chứ không phải không biết" - ông Nguyễn Chí Thanh nói.
Về phía nhà chùa, Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì Chùa Hương cho biết: "Trước khi xây dựng công trình Hương nghiêm Giảng đường, chúng tôi đã làm tờ trình gửi lên UBND huyện Mỹ Đức và được UBND huyện đồng ý. Đại diện UBND huyện thời đó đã ký vào tờ trình nhưng tôi không nhớ ai là người ký". Lý giải về việc xây dựng công trình khi chưa xin phép, Thượng tọa Thích Minh Hiền cho rằng: "Không phải chúng tôi ngại xin phép, cũng không phải là chúng tôi không hiểu gì về thủ tục hành chính, nhưng những dãy nhà cấp 4 dột nát trước đây không phải là hạng mục cấu thành di tích đã xếp hạng, nên không thể nói rằng công trình mới xây dựng là xâm phạm di tích"...
Trả lời câu hỏi của đại diện các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức một lần nữa bảo vệ quan điểm, vị trí xây dựng công trình Hương nghiêm Giảng đường không động chạm, không làm ảnh hưởng tới di tích gốc, chỉ là do những người làm công tác quản lý hiểu các quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa chưa đến nơi, đến chốn nên thủ tục xin hồ sơ mới chưa hoàn thiện.
Ghi nhận sự cần thiết phải có một công trình với công năng sử dụng tương tự như Hương nghiêm Giảng đường trong Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, song ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chỉ rõ: Việc xây dựng công trình có quy mô hoành tráng như hiện tại là không phù hợp, trái với các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. "Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962, thì mọi việc liên quan đến công tác tu bổ, tôn tạo di tích đều phải được sự đồng ý của Bộ VH,TT&DL. Hạng mục Hương nghiêm Giảng đường nằm ngay cạnh các hạng mục di tích gốc của chùa Thiên Trù thì không thể nói không ảnh hưởng tới cảnh quan, không gian, không ảnh hưởng tới di tích gốc" - ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.
Đánh giá tổng thể, tìm giải pháp tối ưu
Sau khi các nhà khoa học và đại diện cơ quan chức năng phân tích và làm rõ những vấn đề liên quan đến công trình, lãnh đạo huyện Mỹ Đức bày tỏ nguyện vọng được giữ lại công trình và sớm hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình các cơ quan chức năng xem xét.
Về vấn đề này, GS Trần Lâm Biền bày tỏ quan điểm: Mục đích của việc xếp hạng di tích là để bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Chúng ta có thể rất thông cảm với nhu cầu bức thiết của nhà chùa và địa phương về nơi sinh hoạt, tiếp khách, nhưng không vì thế mà có thể tán hành những hành động trái quy định của pháp luật. Hiện tại, các cơ quan chức năng chưa cung cấp được tư liệu đầy đủ liên quan đến hạng mục mới xây dựng nói riêng, quần thể di tích Chùa Hương nói chung nên giới khoa học chúng tôi chưa thể đưa ra hướng giải quyết, khắc phục. Chúng tôi sẽ có câu trả lời chính xác khi đủ tư liệu khoa học... Tương tự, GS Phạm Mai Hùng nhận định: Với một công trình vi phạm có quy mô lớn đặt trong một di tích quan trọng như Chùa Hương thì việc tìm ra phương án khắc phục cần có thêm thời gian.
Để có thể sớm đưa ra phương án giải quyết, TS Đỗ Văn Khang, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hiện trạng Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn xem cái gì đã làm được, cái gì còn tồn tại để có cái nhìn chân thực, đa chiều, sau đó xây dựng giải pháp khắc phục mang tính tổng thể. Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến khẳng định: Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, làm rõ để có đánh giá cụ thể về mức độ sai phạm của công trình Hương nghiêm Giảng đường trong thời gian sớm nhất. Sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội sẽ xin ý kiến các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, nhằm đưa ra phương án giải quyết tối ưu.