Bắt đầu xét xử "đại án nghìn tỷ" tại Agribank

Pháp đình - Ngày đăng : 12:34, 21/12/2015

(HNMO)- Sáng nay (21/12), TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử cựu Tổng giám đốc Agribank cùng 17 đồng phạm. Đây là một trong 8

Rất đông người có liên quan đến vụ án được triệu tập đến trong sáng nay

Theo đó, cựu Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân, cựu phó Tổng giám đốc Kiều Trọng Tuyến, cựu ủy viên HĐQT Hoàng Anh Tuấn, cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương cùng gần 10 người từng là trưởng, phó phòng, phó giám đốc của ngân hàng này bị xét xử về các tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Do vụ án liên quan đến số lượng bị cáo và những người liên quan lớn nên ngay từ sáng sớm, khu vực trước cổng TAND TP Hà Nội đã tập trung nhiều người. Công tác an ninh được thắt chặt. Những người liên quan được tòa triệu tập phải mất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục tiếp cận phiên toà.

Theo cáo trạng vụ án, các cựu cán bộ Agribank đã cùng với nhiều doanh nghiệp (DN) tạo lập hợp đồng khống, gây thiệt hại hơn 2.435 tỷ đồng.

Cụ thể, Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada), là cổ đông chính của Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, người chủ mưu đã cùng với một số đối tượng khác là người nước ngoài đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội thông qua việc lừa Chi nhánh này và Lê Minh Hiếu (SN 1974), là Chủ tịch HĐQT Cty CP Vietmade và Cty CP Lifepro Việt Nam liên kết vay tiền của Agribank Nam Hà Nội để chuyển ra nước ngoài mua nguyên phụ liệu theo chỉ định của lãnh đạo Cty cổ phần Enzo Việt thành Dự án Luxfashion của Cty liên doanh Lifepro Việt và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang để được Agribank phê duyệt nâng quyền phán quyết cho Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với dự án.

Trên cơ sở đó, các bị can đã lập Hợp đồng chuyển nhượng 6 thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt. Đồng thời, chỉ đạo đồng bọn kê khai khống số lượng vải, hoá chất, máy móc thiết bị nhập khẩu trong dự án Dự án Luxfashion để chiếm đoạt tiền vay sau khi được giải ngân.

Số tiền chiếm đoạt được xác định là số tiền vay của Cty CP Lifepro Việt Nam, Cty CP Vietmade do Lê Minh Hiếu làm chủ DN đứng tên vay theo hợp đồng liên kết với Cty CP Enzo Việt, nhưng thực tế nguyên liệu không được nhập về do Cty CP Enzo Việt chỉ định chuyển tiền nhưng không nhập nguyên liệu về còn dư nợ tại chi nhánh Nam Hà Nội, tổng cộng hơn 420 tỷ đồng và số tiền vay mua thương hiệu, mua nguyên liệu, máy móc nhưng thực tế không nhập về, tiền vay bị chuyển ra nước ngoài chiếm đoạt tại Cty liên doanh Lifepro Việt Nam là hơn 2000 tỷ đồng. Tổng cộng các bị can đã lừa đảo chiếm đoạt trên 2.425 tỷ đồng.

Thẩm phán chủ tọa là bà Nguyễn Thị Xuân Thu. Phiên toà  dự kiến kéo dài tới ngày 31/12.


Ngoài ra, trước đó, trong giai đoạn 2007-2011, Cty CP Enzo Việt đã lập các hồ sơ để ký kết các hợp đồng t ính dụng để vay của Chi nhánh Agribank Ninh Bình và Nam Hà Nội còn dư nợ tổng số tiền hơn 814 tỷ đồng. Số tiền này phần lớn đã được sử dụng cho việc thực hiện Dự án Dệt - nhuộm - may của Cty Enzo Việt . Tuy nhiên, sau đó các đối tượng đứng đầu công ty đã bỏ trốn ra nước ngoài nhằm c hiếm đoạt tài sản, hậu quả thiệt hại được xác định ở giai đoạn này là trên 71 tỷ đồng.

Để xảy ra việc chiếm đoạt tài sản của các bị can người nước ngoài, một số cá nhân là cán bộ ngân hàng, DN Việt Nam đã có nhiều hành vi phạm tội.

Trong đó, bị cáo Phạm Thị Bích Lương (SN 1969), nguyên GĐ Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) được xác định là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định dẫn đến thiệt hại tiền vốn của Chi nhánh Nam Hà Nội, phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả vi phạm về cho vay đối với toàn bộ số tiền hơn 2000 tỷ đồng cho vay đối với Cty liên doanh Lifepro Việt Nam.

Lương bị đưa ra xét xử về các tội "Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng (Điều 179 BLHS), "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"(Điều 281 BLHS)

18 bị cáo bị đưa ra xét xử


Bản cáo trạng cũng cáo buộc cựu tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân vi phạm 2 tội danh trên. Cụ thể, trong quá trình điều hành, ông Tân đã ký NHNN Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của hội sở. Theo cơ quan truy tố, những sai phạm của cựu tổng giám đốc Agribank nằm trong thiệt hại của giai đoạn cho vay đối với Cty Lifepro.

Ngoài ra, ông Tân còn bị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm trong việc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho NHNN Nam Hà Nội cho vay đối với Cty Lifepro liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ dự án dệt – nhuộm – may. Với sai phạm này, cựu lãnh đạo Agribank bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 306 tỷ đồng.

Sáng nay, HĐXX dành thời gian kiểm tra căn cước 18 bị cáo. Do vụ án có tính chất phức tạp, cơ quan xét xử đã quyết định tăng cường 2 thẩm phán và 3 hội thẩm đảm nhiệm vị trí HĐXX.

Luật sư Nguyễn Chiến đề xuất cho các bị cáo được tháo còng số 8 và trong lúc giải lao tại toà, các luật sư được tiếp xúc với bị cáo. Một số luật sư đề nghị triệu tập các DN liên quan do có ảnh hưởng lớn đến quá trình xét xử.

Luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị triệu tập một số phiên dịch viên để làm rõ các tài liệu có chữ nước ngoài. Trước những ý kiến của luật sư, HĐXX đã tham khảo ý kiến của vị đại diện cơ quan truy tố. Vị kiểm sát viên đề nghị phiên toà cần được tiếp tục để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. Sau phần hội ý, HĐXX quyết định phiên toà tiếp tục diễn ra. Các trường hợp vắng, toà sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để áp giải.

Cho đến hết buổi sáng nay, vị kiểm sát viên công bố bản cáo trạng dài 63 trang. Chiều nay, Tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi các bị cáo.

Kiểm tra căn cước đối với bị cáo đầu vụ Phạm Thị Bích Lương



Dự kiến, vụ án sẽ TAND TP Hà Nội xét xử trong 11 ngày với sự tham gia của 26 luật sư.

18 bị cáo gồm: Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội); Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, cựu Phó giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội); Phạm Thanh Tân (SN 1955, cựu Tổng giám đốc Agribank); Đỗ Tiến Long (SN 1975, cựu cán bộ tín dụng Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội); Nguyễn Thịt Nguyệt Thanh (SN 1980, cựu Trưởng phòng Thanh toán quốc tế Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội); Nguyễn Hữu Thanh (SN 1977, cựu Phó trưởng phòng Thanh toán quốc tế, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội); Trương Thị Út (SN 1967, cựu Phó trưởng phòng Tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội); Đặng Quang Chung (SN 1977, cựu Phó trưởng phòng Phụ trách phòng tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội); Hoàng Anh Tuấn (SN 1962, cựu Uỷ viên HĐQT Agribank); Lê Minh Hiếu (SN 1974, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Vietmade và Cty cổ phần Lifepro); Kiều Trọng Tuyến (SN 1953, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách Agribank); Đỗ Quang Vinh (SN 1964, cựu Trưởng Ban tín dụng doanh nghiệp Agribank); Phan Quý Dương (SN 1978, chuyên viên Ban tín dụng doanh nghiệp Agribank); Hoàng Thị Thu Hiền (SN 1963, cựu Trưởng phòng Tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội); Lương Thị Yên (SN 1958, cựu Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây, Cục Hải quan Hà Nội); Hoàng Tuấn Khanh (SN 1973, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây); Đỗ Thị Liên Hương (SN 1978, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây); Nguyễn Thị Thuý Hằng (SN 1978, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây).

Chu Dũng