Ba năm triển khai chương trình cơ giới hóa nông nghiệp: Vẫn còn nhiều bất cập
Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 21/12/2015
Theo Trung tâm Khuyến nông, 3 năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư 9 khâu CGH trong hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi (4 khâu CGH trong trồng trọt, 5 khâu CGH trong chăn nuôi). Mặc dù được triển khai khá quyết liệt, nhưng tỷ lệ CGH trong nông nghiệp của Hà Nội chưa như mong muốn. Về trồng trọt, chỉ có CGH trong khâu làm đất đạt 95% diện tích, diện tích gặt bằng máy mới đạt 45,5%, diện tích phun thuốc trừ sâu bằng máy đạt 28,8%, diện tích cấy bằng máy đạt 2,45%. Đối với chăn nuôi, tỷ lệ CGH trong chăn nuôi bò sữa ở khâu vắt sữa đạt 37,7%; thái cỏ đạt 68%. CGH trong chăn nuôi lợn, gà, nuôi thủy sản còn thấp: Khâu làm mát chuồng lợn mới đạt 11,5%, gà đạt 23,2%, CGH ăn bán tự động, uống tự động chăn nuôi lợn đạt 27,5%, gà đạt 31,5%; hệ thống quạt nước nuôi thủy sản đạt 10,5% diện tích nuôi thủy sản...
Thực tế cho thấy, mức độ CGH nông nghiệp Hà Nội còn thấp so với bình quân của cả nước và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Trình độ CGH nông nghiệp chưa mang tính tổng hợp mà còn rời rạc từng khâu, từng đoạn. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa đầu tư CGH khép kín, đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Nguyên nhân chính là do nông nghiệp còn nặng tính nông hộ quy mô nhỏ, tính hợp tác, việc đầu tư CGH gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn... Thêm vào đó, lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang dịch chuyển mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nên việc đẩy mạnh CGH cần có các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn hiện tại.
Được biết, số hộ được hưởng lợi về thực hiện CGH theo Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 của UBND TP Hà Nội rất ít. Trong 3 năm (2013-2015), Hà Nội mới có 120 hộ vay tiền ngân hàng mua 138 máy, đến nay mới hỗ trợ lãi suất ngân hàng 2 năm (2013-2014) cho 92 hộ nông dân mua máy với số tiền hơn 2,26 tỷ đồng. Tiền hỗ trợ lãi suất năm 2015 mới đang lập hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt. Vì chính sách hỗ trợ chưa sát thực tế, thủ tục rườm rà, nông dân mua máy theo chủ trương được hỗ trợ thì phải đợi đến một năm, thậm chí lâu hơn mới nhận được nguồn hỗ trợ từ chính sách...
Ông Nguyễn Hồng Anh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tây Đằng, Ba Vì cho biết: Việc sử dụng máy gặt lúa khiến tỷ lệ thóc rơi vãi rất lớn, có nhiều nơi tỷ lệ này mất 5-6%. Chưa tính việc máy cấy để lại rãnh, luống đất sâu khiến việc gieo trồng vụ đông gặp nhiều khó khăn. Thực tế, nhiều hộ vụ mùa không thuê máy cấy để chủ động gặt tay còn giữ đất làm vụ đông.
CGH là tất yếu và cũng là điều kiện bắt buộc để nâng cao giá trị sản phẩm ngành Nông nghiệp. Do đó, Hà Nội cần sớm khắc phục những tồn tại để sớm đưa CGH vào thực tế. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Trong những năm 2016-2020, ngành trồng trọt sẽ nâng tỷ lệ CGH từ 95% (năm 2015) lên 100%; nâng tỷ lệ CGH khâu cấy từ 2,45% lên 70%; nâng tỷ lệ phun thuốc phòng trừ sâu có động cơ từ 28,8% lên 60% và nâng tỷ lệ CGH khâu gặt đập từ 45,5% lên 80%... Ngành chăn nuôi sẽ nâng hệ thống làm mát chuồng nuôi lợn, gà từ 11,5 - 23,2% lên 70%.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành nông nghiệp Hà Nội cần phối hợp với các địa phương củng cố quan hệ sản xuất, tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp làm nòng cốt trong quá trình thực hiện CGH. Đồng thời đầu tư, cải tiến máy, thiết bị CGH bảo đảm tính đa năng phù hợp với nhiều loại cây trồng, với cơ cấu luân canh tăng vụ, với đặc điểm đất đai và điều kiện sản xuất của Hà Nội.
Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình CGH nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong 3 năm (2013-2015) là 423,65 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố, huyện hỗ trợ 55,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13,2%. Vốn nông dân là 367,84 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 86,8% (vốn trong dân là 193,84 tỷ đồng, chiếm 45,8% và vốn vay các tổ chức tín dụng là 174 tỷ đồng, chiếm 41,1%). |