Hội chứng trẻ đột tử do... tư thế nằm ngủ

Xã hội - Ngày đăng : 08:31, 20/12/2015

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 27.000 trẻ nhỏ tử vong tự nhiên (khoảng 18/1000 trẻ đẻ sống). Như vậy mỗi ngày có khoảng 75 trẻ nhỏ tử vong đột ngột do nhiều nguyên nhân...

Hội chứng trẻ đột tử vì sao?

Ở Việt Nam, do đời sống còn nhiều khó khăn, một số phong tục tập quán nuôi trẻ còn lạc hậu nên tình trạng tử vong đột ngột, không giải thích nổi còn khá phổ biến.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 27.000 trẻ nhỏ tử vong tự nhiên (khoảng 18/1000 trẻ đẻ sống). Như vậy mỗi ngày có khoảng 75 trẻ nhỏ tử vong đột ngột do nhiều nguyên nhân, tập trung chủ yếu ở những tháng đầu đời. Không chỉ Việt Nam, y học thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trẻ chết mà không tìm được nguyên nhân.

Tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.


Trong bối cảnh gần đây có một số trẻ em tử vong sau khi tiêm chủng vaccine, gây ra nỗi lo lắng không nhỏ cho mọi người, thì việc tìm hiểu các nguyên nhân gây tử vong mà không liên quan tới tiêm chủng là rất cần thiết để các bậc cha mẹ và những người quan tâm có cái nhìn khoa học và bình tĩnh hơn với công tác tiêm chủng.

“Liệu có thể phân biệt được nguyên nhân tử vong do vaccine, hay do thực hành tiêm chủng, hoặc do trùng hợp ngẫu nhiên với các nguyên nhân gây tử vong khác, là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Nhưng thực tế, có một hội chứng phổ biến được y học thế giới ghi nhận có tên "Hội chứng đột tử trẻ nhỏ” là nguyên nhân tử vong của trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và điều đó sẽ lý giải phần nào với mọi người thực trạng này.” - PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vào ngày 19-12.

ThS. Nguyễn Thành Chung, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Y khoa tại Australia cho biết: Một đứa trẻ sống tới khi được 12 tháng tuổi là cả một chặng đường nhiều nguy cơ tiểm ẩn mắc bệnh và tử vong.

Theo số liệu của Mỹ, tỷ suất tử vong không mong đợi có thể lên tới 160 (0,16/1000 trẻ đẻ sống). Có ít nhất 3 nhóm nguyên nhân cho tử vong đột ngột của trẻ em, trong đó Hội chứng đột tử trẻ nhỏ chiếm hàng đầu.


* Nguyên nhân nào?

Các nhà khoa học cho rằng hội chứng là do nhiều yếu tố, có tính chất tương tác phối hợp, gồm: Sự trì hoãn hoặc phát triển bất thường của các tế bào não có vai trò điều hòa hệ tim mạch và hô hấp; khi trẻ nằm ngủ, mặt có thể úp xuống và việc hạn chế đường thở là một nguyên nhân gây thiếu oxy trong quá trình ngủ, thậm chí tắc đường thở trong lúc ngủ.

Đặc biệt là tư thế nằm sấp và nằm nghiêng – sấp có nguy cơ ca; việc quấn quá nhiều áo cho bé có thể gây nên một hiện tượng tăng thân nhiệt nhanh, gây nên tăng nhịp chuyển hóa và dẫn đến mất kiểm soát nhịp thở.

Tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh đã từng bị nghi ngờ gây ra nhiều cái chết cho trẻ em ở Mỹ những năm 1990. Nhưng khi phân tích nguyên nhân 18 ca tử vong cho thấy có tới 12 (chiếm 67%) trường hợp chết do hội chứng SIDS, ba trường hợp do nhiễm trùng cấp tính, một trường hợp do xuất huyết não trong, một trường hợp ngạt thở, còn lại một trường hợp do tim bẩm sinh. Như vậy, hội chứng đột tử trẻ nhỏ rất có thể là "thủ phạm chính" gây tử vong chứ không phải là do tiêm vắc xin viêm gan B.

Điều đáng lưu ý là, theo các chuyên gia, hội chứng SIDS không có dấu hiệu cảnh báo trước nên rất khó phán đoán và dự phòng. Hội chứng không thuộc nguyên nhân nhiễm khuẩn và cũng không phải do di truyền.


* Tránh tử vong cho trẻ bằng cách nào?

Vì thế, nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ, Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo: Tư thế ngủ được cho là có thể thay đổi tình hình. Mục tiêu là tăng tỷ lệ cho trẻ ngủ tư thế nằm ngửa, trên nền giường hoặc cũi cứng, phẳng thay vì cho trẻ năm sấp hoặc nằm nghiêng.

Các nghiên cứu tâm lý bố mẹ cũng chỉ ra rằng quan niệm của bố mẹ cho rằng trẻ nằm sấp ngủ ngon hơn và ít thức giấc hơn. Rất tiếc, việc thức giấc của trẻ là một phản xạ có lợi đặc biệt trong những tháng đầu đời.

Do đó, các chiến dịch y tế cộng đồng nhằm can thiệp vào yếu tố tư thế nằm ngủ của trẻ đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ở Mỹ từ năm 1992 đến 2001, tỷ lệ tử vong đột ngột giảm từ 120/100.000 xuống 56/100.000 trẻ. Rõ ràng, tư thế nằm là một yếu tố độc lập góp phần gây ra tử vong ở trẻ.

ThS. Nguyễn Thành Chung cũng cho biết khuyến cáo của các chuyên gia Mỹ với các bậc phụ huynh: Những ngày đầu sau sinh nên cho trẻ nằm ngửa. Khi trẻ đã biết lật từ nằm ngửa sang nằm sấp và ngược lại, thì có thể để cho trẻ tự chọn tư thế yêu thích.

Nằm trên nền giường hoặc cũi cứng, phẳng, không có phần cứng lồi lõm. Ga trải giường mỏng mềm và gọn gàng, không quá rộng so với cũi và giường. Không dùng chăn mềm dày và gối mềm để lót cho trẻ.

Tránh phủ chăn, quấn tã quá nhiều. Lúc trẻ ngủ nên cho ngậm núm vú giả. Các chuyên gia cũng đưa ra một lưu ý: Người lớn chỉ ngủ chung phòng chứ không ngủ chung giường với trẻ, nhưng ở gần để có thể sờ hoặc với tới con lúc cần.

* Ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa

Theo Dạ Miên/CAND