Nhìn người, ngẫm ta

Văn hóa - Ngày đăng : 06:56, 20/12/2015

(HNM) - Lâu nay, ta đã quá quen với phim Hàn, nhạc Hàn, thời trang Hàn, ẩm thực Hàn… Làn sóng điện ảnh, âm nhạc và nhiều lĩnh vực đời sống văn hóa, giải trí của xứ sở Kim chi đã làm sôi sục giới trẻ và thậm chí cả công chúng thuộc nhiều lứa tuổi khác.

Mới đây, với việc ra mắt cuốn tiểu thuyết "7 năm bóng tối" dày gần 600 trang của một nhà văn nữ Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam coi đây như sự kiện mở đầu việc đưa văn học xứ sở này đến với độc giả Việt Nam…

Trong chuyển động âm thầm mà sôi động của hội nhập văn hóa, không xa lạ gì với sự xuất hiện ngày một phong phú hơn của các dịch phẩm văn học nước ngoài. Trung tâm văn hóa, đại sứ quán các nước tại Việt Nam cũng tích cực làm cầu nối đưa văn hóa các quốc gia này đến Việt Nam thông qua nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học… Buổi giới thiệu tác phẩm và đặc biệt là về tác giả nữ đang được xem là hiện tượng đáng chú ý của văn học Hàn Quốc kể trên được tổ chức khá công phu, thể hiện rõ mong muốn tạo ấn tượng về văn học Hàn Quốc đối với độc giả Việt Nam và hy vọng tìm kiếm thị trường mới cho văn học Hàn Quốc.

Trong buổi giao lưu, không chỉ hỏi về con đường đến với văn chương khá muộn màng nhưng cũng khá xuất sắc của nữ tác giả, độc giả còn quan tâm hàng loạt vấn đề xã hội của Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung được phản ánh qua tiểu thuyết này. Một lần nữa, văn học không đơn thuần là giải trí, nó âm thầm chở theo các giá trị văn hóa và cũng âm thầm lan tỏa các giá trị đó.

Ngẫm đến đường ra thế giới của văn học Việt Nam ta trong nhiều năm qua bằng các hình thức khác nhau, không ít tác phẩm đã xuất hiện ở nước ngoài nhưng chúng ta còn thiếu sự đầu tư quyết liệt, xứng tầm cho phần việc này. Trong khi đó, ai dám chắc rằng trong thời gian không xa, văn học Hàn lại không nổi như phim Hàn, nhạc Hàn ở Việt Nam?

Người Lái Đò