“Kẻ hủy diệt” IS
Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 20/12/2015
Một chiến đấu cơ Rafale của Pháp phóng tên lửa trong một buỗi diễn tập. Ảnh: Ministère de la Défense |
Vào năm 1998, Bộ Quốc phòng Pháp đã ký hợp đồng với nhà sản xuất tên lửa Scalp trị giá 745 triệu USD. Theo đó, việc cung cấp tên lửa bắt đầu tiến hành từ năm 2003 với số lượng 500 quả tên lửa Scalp EG. Scalp được thiết kế trên cơ sở tên lửa Apach của Công ty Matra BAe Dynamics chế tạo từ năm 1984 và bề ngoài không khác mấy so với phiên bản cơ sở. Các tên lửa tầm xa Scalp EG (hay Storm Shadow) đã được phóng từ các chiến đấu cơ Pháp đồn trú tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) và Jordan.
Đây là một phần trong chiến dịch ném bom nhằm vào một trung tâm chỉ huy, trại huấn luyện và kho hậu cần ở phía Tây Iraq, giáp ranh với Syria. Các tên lửa này được sử dụng lần đầu trong các cuộc không kích ở Libya vào năm 2011 và có giá khoảng 930.000 USD mỗi quả. Scalp EG là tên lửa không đối đất tầm xa siêu chính xác, được phát triển để tấn công các mục tiêu mặt đất (C41), sân bay, căn cứ hải quân, các cơ sở hạ tầng...
Scalp EG có chiều dài 5,1m, đường kính 0,48m, trọng lượng phóng 1.300kg. Tên lửa này được trang bị động cơ turbine phản lực Turbomeca Microturbo TRI 60-30, vốn cho phép bay ở độ cao rất thấp với tốc độ 1.050km/h và có tầm xa khoảng 250km.
Khác biệt đáng chú ý giữa Scalp EG và một số loại tên lửa chiến lược khác của Pháp là đầu đạn xuyên phá mạnh. Đầu đạn của Scalp gồm hai tầng, tầng thứ nhất có khả năng xuyên qua một lớp bê tông dày của các tòa nhà hay boong ke kiên cố (vốn là một lợi thế không nhỏ của IS chống lại các đợt không kích của liên quân), tầng thứ hai là tầng thuốc nổ chính có khả năng nổ chậm để tăng tính sát thương.
Cấu tạo một quả tên lửa Scalp EG của Pháp. Ảnh: Ministère de la Défense |
Tên lửa Scalp EG được điều khiển theo cơ chế "phóng và quên", tương tự các loại tên lửa của Mỹ và Nga, có khả năng tự tìm đến mục tiêu đã định mà không cần bất cứ một sự can thiệp nào từ bên ngoài. Scalp EG được dẫn đường bởi một hệ thống đo lường quán tính, cập nhật đường bay thông qua bản đồ địa hình kỹ thuật số và định vị vệ tinh GPS. Dẫn đường kiểu này cho độ chính xác cao và khả năng đối phó với các phương tiện tác chiến điện tử tốt hơn.
Trong giai đoạn đầu và giữa của hành trình bay, Scalp EG bay tương đối thấp để tránh bị radar đối phương phát hiện. Trong giai đoạn cuối hành trình bay, tên lửa sẽ tự động vọt lên cao, đồng thời đầu dò quang điện tử hồng ngoại sẽ so sánh cảnh thực với ảnh mục tiêu được lập trình sẵn trong máy tính của tên lửa và lựa chọn các vị trí để tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao nhất có thể.
Trong trường hợp không tìm thấy mục tiêu đã định hoặc có thể gây ra thiệt hại lớn về dân thường và cơ sở hạ tầng, tên lửa Scalp EG có khả năng tự chuyển hướng và kích nổ ở nơi hoang vu. Với tầm bắn 560km của phiên bản cải tiến, Scalp có thể giải quyết gọn ghẽ các mục tiêu chiến lược quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ phiến quân kiểm soát, trong khi các chiến đấu cơ vẫn nằm ngoài tầm hoạt động của mọi loại tên lửa đất đối không của phiến quân.
Hải quân Pháp trang bị tên lửa hành trình Scalp cho nhiều loại máy bay, trong đó có máy bay tiêm kích ném bom "Rafale, "Mirage 2000", "Eurofighter" và trong tương lai, tên lửa này có thể được bố trí trên tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới. Các chuyên gia đánh giá, với loại tên lửa này, chiến đấu cơ Pháp hoàn toàn có thể qua mặt các hệ thống phòng không S-300, S-400 của Nga.