Truyền thông chống IS của Mỹ: Đến lúc phải thay đổi

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 00:03, 20/12/2015

(HNMO) – Hoạt động tuyển quân của IS trên mạng internet mạnh đến mức chính phủ Mỹ đã và đang phải vật lộn để đối phó ngăn chặn. Với phương pháp hiện thời tỏ ra thiếu hiệu quả, Mỹ cần thay đổi như thế nào?

Hai phiến quân IS trong một video tuyên truyền của tổ chức khủng bố này. Hai kẻ này được xác nhận là có quốc tịch Anh.


Theo các chuyên gia, ngay cả tên của chiến dịch chống khủng bố mà Bộ Ngoại giao Mỹ phát động – “Hãy nghĩ lại, hãy quay đầu” – cũng chẳng mang lại mấy hiệu quả.

“Tôi có rất nhiều bạn làm việc trong Bộ Ngoại giao và tôi tôn trọng những nỗ lực của họ. Họ có ý định tốt, nhưng nghiêm túc mà nói, tên của chiến dịch: “Hãy nghĩ lại, hãy quay đầu” rất khó nhớ và chẳng hề gây ấn tượng. Những kẻ nào có xu hướng ủng hộ IS sẽ chẳng mảy may nghe theo lời kêu gọi từ chính phủ”, Nadia Oweidat, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc một nhóm chuyên gia cố vấn ở Washington, Mỹ cho biết.

Chuyên gia này cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ nên thay đổi cách thức hoạt động hiện thời, vì nó tỏ ra thiếu tính hiệu quả trong việc đối phó với các chiến lược tuyên truyền tuyển quân của Nhà nước Hồi giáo (IS).

“Cách làm của chúng ta hiện nay không hề hiệu quả, bởi nó không hướng đến đúng đối tượng, những người có nguy cơ trở thành kẻ “thánh chiến”, Daniel Cohen, điều phối viên của Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia ở Tel Aviv cho biết.

Đối tượng cần tuyên truyền: Những thanh niên trẻ lạc lối và đầy bất mãn

Abu Hurriya, 37 tuổi, sinh ra và lớn lên tại New York, vừa được ra tù sau quãng thời gian chịu phạt với tội danh tuyên truyền cho tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Anh từng là chỉ huy truyền thông cho mạng lưới al-Qaeda hoạt động tại Mỹ, đã từng tuyển mộ hàng trăm người Mỹ gia nhập tổ chức này.

Từ một thanh niên trẻ lạc lối và đầy bất mãn, anh ta đã trở nên cực đoan, đó cũng là vấn đề mà nhiều thanh niên hiện nay đang phải trải qua.

Abu Hurriya cho biết: “Tôi có thể hiểu được tâm trạng của họ, bởi chính tôi cũng đã từng phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Họ đều rất trẻ và yếu đuối. Một đứa trẻ sống ở khu ổ chuột với sự tuyệt vọng và nông nổi, hoàn toàn có thể tìm tới các băng nhóm để gia nhập”.

Các video tuyên truyền của IS có hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ và chất lượng cao chẳng kém gì phim Hollywood.


Abu Hurriya nói rằng, các video tuyển quân của IS thường sử dụng hình ảnh núi non và thiên nhiên hết sức hùng vĩ chẳng khác nào cảnh tượng trong phim Hollywood, rồi những cái bắt tay thân thiết “ấm tình đồng đội” giữa những kẻ “thánh chiến”… Khung cảnh đó có sức truyền cảm rất lớn đối với những nam nữ thanh niên lạc lối, đang tìm kiếm cho mình một mục đích sống và những người cùng chí hướng”.

John Horgan, một nhà tâm lý học thuộc trường Đại học Georgia cũng có đồng quan điểm: “Tuổi trẻ là như vậy, luôn luôn muốn khẳng định mình, khẳng định sự tồn tại trong xã hội. Việc ai đó đến với bạn và thuyết phục bạn rằng, bạn sinh ra để hoàn thành những sứ mệnh “to lớn”, luôn luôn tỏ ra rất hiệu quả”. Đó là điều mà IS đang làm.

Đã đến lúc cần thay đổi chiến lược

Abu Hurriya lấy một video của IS làm ví dụ, chỉ ra rằng nó có chất lượng rất chuyên nghiệp với kỹ thuật đồ họa phức tạp và những biểu tượng được thiết kế để tạo sức hấp dẫn với thế hệ những thanh niên nghiện game và công nghệ.

Một hình ảnh tuyên truyền của IS


Trong khi đó, những video tuyên truyền của chính phủ thì lại dày đặc số liệu và chữ, với chất lượng quá thấp.

Nếu như không nhanh chóng tìm ra một chiến lược truyền thông chống khủng bố hiệu quả, Mỹ có nguy cơ phải chứng kiến chính người dân của mình trở thành những kẻ thánh chiến, điều đã xảy ra trong các vụ tấn công ở Boston và San Bernardino.

Các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên cho chính phủ Mỹ để cải thiện hoạt động tuyên truyền của mình.

1.Để những người khác lên tiếng


Một thanh niên đang có ý định giết người nhân danh Hồi giáo sẽ chẳng mảy may để tâm đến video hay clip nào của chính phủ Mỹ, cho dù nó có chuyên nghiệp và hấp dẫn ra sao đi chăng nữa.

Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chính phủ Mỹ không phải lúc nào cũng là kênh tuyên truyền hiệu quả nhất. Tiếng nói có sức nặng nhiều khi lại đến từ chính những đối tác của chúng ta tại các quốc gia Hồi giáo. Chúng ta cần tiếp tục củng cố quan hệ với những đối tác này”.

Trong số những đối tác đó có Trung tâm Sawab (hoạt động trong lĩnh vực trực tuyến chống IS) ở Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất, chính phủ Malaysia và Tổ chức hợp tác Hồi giáo.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nên hỗ trợ các học giả và trí thức người Hồi giáo, những người được tín nhiệm trong cộng đồng của các tín đồ đạo Hồi, để họ phát huy tiếng nói chính nghĩa.

2.Truyền tải thông điệp một cách rõ ràng, hiệu quả


IS luôn cố gắng tuyên truyền với các thanh niên ở Mỹ rằng: Nước Mỹ của họ ghét người Hồi giáo và đang tìm cách hủy hoại đạo Hồi.

Chuyên gia Oweidat, người từng lớn lên ở Jordan, nói rằng chính phủ Mỹ cần phải phơi bày sự thật ra một cách rõ ràng.

“Cần phải truyền đi thông điệp rằng nước Mỹ luôn đón chào những người Hồi giáo. Mỹ đã tạo cơ hội, tặng học bổng ra sao cho những sinh viên Ả rập, cũng như đã đóng góp tích cực như thế nào trong vấn đề người di cư từ Syria”.

“Những người theo đạo Hồi ở Mỹ rất có học thức. Họ từng lớn lên ở thế giới Hồi giáo và cũng tận mắt chứng kiến sự tiến bộ ở Mỹ. Tiếng nói của những người này sẽ rất có giá trị, họ cần phải tham gia vào các video tuyên truyền của chính phủ”.

3.Dừng tuyên truyền hộ IS


Gần đây Bộ ngoại giao Mỹ có đăng tải một thông tin nói rằng Italy đã gửi 450 binh sỹ tới Iraq. Việc làm này chẳng khác nào tuyên truyền hộ cho IS, Abu Huriya nói.

Trong một video của mình, IS nói rằng có 80 quốc gia đang đứng lên chống lại thế giới Hồi giáo.

Như vậy, việc đưa thông tin các nước cử quân tới Trung Đông có vẻ như đã củng cố thêm cho luận điệu của IS. Mỹ nên ngừng hại mình bằng cách đưa những thông tin kiểu này.

4.Tăng cường chất lượng của các video


IS đã tạo ra những video rất mượt mà để phục vụ mục đích của chúng. Về điểm này, Mỹ cũng nên học tập.

Ngoài ra, Mỹ cũng nên tích cực hơn bằng cách tiến hành các hoạt động truyền thông không ngửng nghỉ trên mạng xã hội, giống như IS.

“Ở mỗi khu vực, IS đều có công ty truyền thông riêng của mình và hằng ngày đều xuất bản. Nhờ vậy, các thông tin tuyên truyền của chúng liên tục được đăng tải, thậm chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần”, đây là điều mà Mỹ chưa làm được, ông Cohen cho biết.

IS còn tung ra các video tuyên truyền tuyển mộ binh lính bằng nhiều thứ tiếng,
trong đó có cả tiếng Nga


5.“Đánh rắn phải đánh dập đầu”


Các hoạt động của IS có vẻ như được tài trợ rất mạnh và được tiến hành một cách rất quy củ, có tổ chức.

“Ai là kẻ đứng sau? Nguồn tài trợ từ đâu mà có? Ai đang trao cho chúng tiền? Kẻ nào đảm nhiệm công việc kỹ thuật phầm mềm?”. Đó là những câu hỏi cần phải nhanh chóng có lời giải đáp, nếu muốn chống trả các chiến dịch tuyên truyền của IS trên mạng xã hội.

An Hy