Giá dầu thô giảm mạnh: Không quá lo ngại!
Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 19/12/2015
Vận hành khai thác dầu thô tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Thanh Hải |
Mới đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã công bố kết quả nghiên cứu và tác động của giá dầu đối với nền kinh tế trong năm 2016 sắp tới. Ba kịch bản được đưa ra tương ứng với mức giá dầu có thể là 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng để xác định khả năng ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng sẽ tạo điều kiện thuận lợi (nhưng không nhiều) cho kinh tế thế giới tăng trưởng như một sự kích thích nhỏ và sẽ tác động đến hầu hết các quốc gia. Với Việt Nam, GDP có thể bị giảm 0,42%, lạm phát giảm 1,11% so với hoàn cảnh nếu không có kịch bản này. Với giả thuyết giá dầu ở mức 40 USD/thùng, nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều hơn và GDP giảm 0,85%, chủ yếu do nguồn thu ngân sách suy giảm. Nếu giá dầu "rơi" xuống khoảng 30 USD/thùng thì mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn, bởi GDP giảm tới 1,36%. Nhìn chung, hậu quả sẽ tiêu cực và nặng nề hơn, quy mô GDP cả nước suy giảm và đe dọa khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn - tức là từ 3 đến 5 năm tiếp theo.
Xét về bản chất, nền kinh tế Việt Nam chịu cả tác động tích cực và tiêu cực vì có đặc điểm xuất khẩu dầu thô; đồng thời nhập khẩu sản phẩm sau dầu thô. Sự eo hẹp về nguồn thu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu, đầu tư của Chính phủ cũng như làm giảm mức cầu của thị trường trong nước; từ đó có thể gây ra sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Giá dầu càng cao thì kim ngạch xuất khẩu dầu càng lớn và cho phép tạo ra nguồn thu ngoại tệ trực tiếp về ngân sách. Tuy nhiên, giá các sản phẩm chế biến sau dầu thô cũng sẽ tăng hoặc giảm dựa trên giá dầu thô. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước phải thường xuyên nhập khẩu xăng, dầu thành phẩm để phục vụ sự vận hành của nền kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội thì cũng sẽ phải tiêu tốn nhiều tiền hơn cho việc nhập khẩu xăng dầu. Đây lại là một bất lợi với nền kinh tế, thậm chí được cho là ảnh hưởng rất lớn, gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng.
Cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù phải chịu ảnh hưởng, nhưng mức độ không đến mức "sốc" bởi sự hồi phục (nhất là gia tăng về sức mua và nhu cầu nhập khẩu) ở các nước đối tác kinh tế, thương mại của Việt Nam sẽ tác động tích cực ngược lại đối với Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tăng cường xuất khẩu.
Mặt khác, thực tế cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trở lại nhờ sự hồi phục khá rõ nét của cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng nòng cốt tạo ra tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015. Đây là mức tăng trưởng cao so với hầu hết các nền kinh tế khu vực và là minh chứng cho việc một nền kinh tế vẫn có thể tăng mạnh trong bối cảnh giá dầu giảm liên tục...
Đại diện Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế cũng xác nhận, những kết quả trong phát triển kinh tế và việc các chỉ số vĩ mô đều tăng trưởng là rất đáng ghi nhận, thể hiện sức vươn và quyết tâm của Chính phủ cũng như doanh nghiệp. Đó là sức mạnh tổng hợp có thể chống đỡ với hoàn cảnh bất lợi khi giá dầu hạ thấp (ở mức trung bình khoảng 100 USD/thùng hạ xuống mức 50-60USD/thùng).
Điều đó cũng thể hiện thực tế là các doanh nghiệp đã quen và biết cách đối phó với vấn đề này, đặc biệt là biết tận dụng thực tế giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào giảm để tranh thủ sản xuất. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi mua xăng dầu giá rẻ hơn, từ đó tác động tốt tới diễn biến thị trường, kìm hãm tốc độ tăng giá tiêu dùng cũng như bảo đảm an sinh xã hội.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính nhận định: Mỗi đối tượng chịu tác động/ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm và có cách ứng phó khác nhau. Nhưng, nhìn chung về cơ bản, nền kinh tế vẫn được hưởng lợi. Các chuyên gia khuyến nghị, trước tình huống giá dầu giảm, không nên quá lo ngại hoặc tâm lý bi quan. Vấn đề quan trọng nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; từ đó tạo sức tăng trưởng nhanh và có nguồn thu trong nước - một biện pháp hữu hiệu để bù đắp cho sự suy giảm nguồn thu do xuất khẩu dầu thô.