Chung cư cũ: Nguy cơ cháy nổ cao

Đời sống - Ngày đăng : 07:47, 18/12/2015

(HNM) - Đa số nguyên nhân xảy ra cháy tại TP Hồ Chí Minh là sự cố điện. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn cháy nổ, đặc biệt về hệ thống điện tại hàng trăm chung cư cũ trên địa bàn lại không được quan tâm.

Nhiều chung cư cũ đang có nguy cơ cháy nổ cao liên quan đến hệ thống điện.


Người dân chủ quan

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 1.244 chung cư, trong đó có hơn 500 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 với quy mô hơn 50 nghìn căn hộ. Phần lớn các chung cư này đều đã xuống cấp nghiêm trọng về đường điện, cũng như không bảo đảm các quy chuẩn thiết yếu về phòng chống cháy nổ.

Khảo sát tại chung cư Ấn Quang (Phường 9, Quận 10), không khó để nhận ra sự chủ quan của người dân về phòng chống cháy nổ. Với 6 lô chung cư san sát nhau được xây dựng trước năm 1975, đường dây điện được vắt chằng chịt ngang đường như mạng nhện từ lô này sang lô khác. Nhiều hộ kinh doanh ăn uống tại tầng trệt ở các lô vẫn vô tư nấu nướng ngay dưới chân cột điện. Mặc dù nguy cơ cháy nổ cao, tuy nhiên cả 6 lô chung cư Ấn Quang chỉ có 1 trụ chữa cháy nằm ở góc đường, sẽ gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dập lửa nếu xảy ra cháy.

Tương tự như chung cư Ấn Quang, nhưng xét về độ nguy hiểm thì chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, Quận 1) ở một mức độ cao hơn hẳn. Theo một số người dân sinh sống tại đây cho biết, chung cư Cô Giang được xây dựng cách đây 50 năm đã xuống cấp nghiêm trọng về kết cấu. Hành lang chung cư đã hẹp, cư dân nơi đây chủ yếu là tiểu thương nên bày la liệt thùng xốp, giấy nilông… đều là những vật dễ cháy. Đặc biệt, trước mỗi căn hộ đều có bàn thờ thắp hương được đặt ngay sát đường điện sinh hoạt gây hiểm họa rất cao về cháy nổ.

Cư dân chủ quan, khiến cho nguyên nhân chủ yếu xảy ra cháy tại TP Hồ Chí Minh xuất phát từ sự cố về điện. Theo thống kê quý III năm 2015 của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh, trong 90 vụ cháy trên địa bàn được điều tra làm rõ nguyên nhân thì có đến 74 vụ (chiếm hơn 82%) là do vi phạm quy định an toàn PCCC về điện và sự cố về hệ thống điện. Nguyên nhân gây ra cháy đến từ các hệ thống điện chiếm tỷ lệ cao đặt ra cho cơ quan quản lý về PCCC cần có những chiến lược lâu dài trong công tác bảo đảm an toàn cháy nổ trong sử dụng điện.

Khó quản lý

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà cao tầng xây dựng cách đây hàng chục năm nên hệ thống điện đã xuống cấp nghiêm trọng và không bảo đảm các yêu cầu về PCCC, trong đó phải kể đến các chung cư cao tầng xây dựng từ năm 1975 đến năm 1996. Đồng thời, ý thức trách nhiệm và kiến thức về PCCC của người dân chưa cao nên việc chấp hành các quy định về PCCC chưa đầy đủ và triệt để. Tại các chung cư cũ giao cho người dân quản lý còn chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các kiến nghị khắc phục về an toàn hệ thống điện của cơ quan Cảnh sát PCCC do nguồn kinh phí còn hạn hẹp và chưa thống nhất được mức phí cho công tác PCCC đối với các hộ dân.

Ngoài vi phạm về điện, các chung cư cũ còn vi phạm về an toàn PCCC ở chỗ do có nhiều hộ gia đình sinh sống với nhiều công việc khác nhau nên có thể tồn trữ hàng hóa là những chất cháy khác nhau nhưng rất khó quản lý. Vì nhu cầu trong sinh hoạt, kinh doanh nên không ít gia đình đã tự ý xây dựng cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, bố trí bãi giữ xe trên đường nội bộ và xung quanh chung cư khiến không thể bảo đảm cho xe chữa cháy, cứu hộ hoạt động khi có sự cố. Đồng thời, việc thông tin báo cháy cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp còn chậm dẫn đến cháy lớn, cháy lan làm giảm khả năng khống chế đám cháy ở giai đoạn ban đầu là giai đoạn dập tắt đám cháy hiệu quả nhất.

Đầu tháng 12-2015, Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp kiểm tra toàn bộ tình trạng hoạt động của 6.254 trụ nước chữa cháy trên toàn thành phố. Kết quả cho thấy có 5.588 trụ hoạt động tốt và 666 trụ bị hư hỏng.

Tiến Thành