Thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp thiếu chủ động
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:38, 18/12/2015
Kiểm tra việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ tại một cửa hàng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Anh |
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN, xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay?
- Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện bởi các cơ quan ngoài Cục Sở hữu trí tuệ, ngoài Bộ KH&CN, trừ Thanh tra Bộ KH&CN. Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan đầu mối để cung cấp thông tin triển khai các hoạt động, là đầu mối phối hợp với các cơ quan của nước ngoài nhằm tăng cường năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho Việt Nam. Hiện nay, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chưa được như mong muốn và vẫn còn nhiều bất cập. Có nhiều lý do dẫn đến sự hạn chế đó.
Khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các chủ sở hữu, các doanh nghiệp thường chỉ thông báo sự vụ với cơ quan chức năng chứ ít khi chủ động tìm kiếm, chứng minh, cung cấp thông tin cần thiết để giúp cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình phân định có sự vi phạm hay không. Gánh nặng đó chủ yếu được dồn cho các cơ quan nhà nước khiến cho việc xem xét kéo dài, gây ảnh hưởng không có lợi đối với chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường ngại đưa vụ việc ra tòa án vì sợ điều đó gây ảnh hưởng không có lợi cho tên tuổi, sản phẩm và hoạt động sản xuất kinh doanh. Với quan điểm đó, các doanh nghiệp đã bỏ qua cơ hội yêu cầu bồi thường thiệt hại cho chính doanh nghiệp của mình.
Trong năm 2015, Thanh tra Bộ KH&CN đã triển khai thực hiện 54 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, phát hiện 40 cơ sở vi phạm, chủ yếu là về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại. Chánh Thanh tra Bộ đã ban hành 40 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 1,6 tỷ đồng; tịch thu để tiêu hủy 1.292 sản phẩm thời trang (túi xách, dây lưng, ví da...) giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên 73.000 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (dược phẩm, mỹ phẩm, đồ uống, kem đánh răng, nước rửa chén, bật lửa, xe đạp điện, xe máy điện, tấm lợp fibrô xi măng, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ bệnh...); buộc tiêu hủy gần 17.000 tem, nhãn, vật phẩm mang yếu tố vi phạm. |
Ngoài ra, công tác kiểm soát hàng hóa nhập khẩu theo đường tiểu ngạch ở biên giới của chúng ta hiện nay còn có sự hạn chế nhất định, do lực lượng còn mỏng. Việc chưa thể kiểm soát hoàn toàn tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng nhái, hàng giả gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp cũng như việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
- Trước nhiều khó khăn như trên, theo ông, trước mắt cần những giải pháp gì để triển khai thực hiện nhằm từng bước giải quyết khó khăn, nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ?
- Đây là một lĩnh vực phức tạp và chúng ta không chỉ gặp khó khăn về mặt chuyên môn. Trên thực tế, lực lượng thi hành nhiệm vụ gặp rất nhiều sự chống đối, thậm chí là phải đối mặt với hành vi sử dụng vũ khí để uy hiếp. Để nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, một trong những yếu tố hết sức quan trọng là nâng cao nhận thức của công chúng. Nếu như công chúng, người tiêu dùng vẫn còn "hồn nhiên" sử dụng hàng giả, hàng nhái thì rất khó ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm.
Thông tin đến công chúng để họ hiểu rõ, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tiến tới không sử dụng hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những biện pháp hết sức quan trọng. Mặt khác, các doanh nghiệp bị xâm phạm phải nâng cao trách nhiệm của mình, tìm mọi cách để có được các bằng chứng xác thực để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.
- Theo ông, hệ thống chế tài hiện có đã đủ mạnh để bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ hay chưa? Có điều gì đáng lưu ý?
- Về nguyên tắc, chúng ta có đầy đủ các quyết định để có thể xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta đã có một lực lượng tham gia vào hoạt động này trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tới thị trường và các hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ biên giới. Chúng ta có chế tài xử lý các hành vi vi phạm bằng biện pháp dân sự.
Với những hành vi cố tình, cố ý, vi phạm có tính hệ thống hoặc tái phạm nhiều lần ở quy mô lớn hơn thì chúng ta cũng có chế tài hình sự để xử lý. Điều tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt là các doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, về việc họ có quyền riêng của mình và sử dụng quyền đó trên cơ sở luật pháp. Việc thực thi tốt quyền này là cơ sở để doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
- Cảm ơn ông!