Nạn nhân bạo hành chưa được trợ giúp pháp lý

Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 18/12/2015

(HNM) - Bạo lực gia đình (BLGĐ) ở nước ta đang ở mức đáng báo động. 34% phụ nữ cho biết từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời.


Không phải chị em nào cũng ngại "vạch áo cho người xem lưng", không muốn tìm đến những tổ chức nhờ sự hỗ trợ. Vấn đề ở chỗ, quy định diện người trợ giúp pháp lý hiện nay còn hẹp, dẫn tới nhiều diện người cần được trợ giúp pháp lý, trong đó có các nạn nhân của BLGĐ không được hưởng chính sách này. Chưa kể, hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể về trợ giúp pháp lý trong phòng, chống BLGĐ chưa đầy đủ khiến các tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý thiếu cơ sở để thực hiện.

Điều đó có thể thấy ngay tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, phụ nữ thuộc nhóm hộ gia đình có thu nhập trên chuẩn nghèo sẽ không được miễn phí trợ giúp pháp lý, kể cả khi họ không tiếp cận được nguồn thu nhập của gia đình hoặc là nạn nhân bạo lực tình dục. Ngoài ra, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý vụ việc BLGĐ cũng là nguyên nhân khiến hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân BLGĐ chưa hiệu quả.

Nhằm hưởng ứng chiến dịch toàn cầu "16 ngày hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" năm 2015 do Liên hợp quốc phát động, vừa qua một số tỉnh, thành phố, đơn vị đã kêu gọi người dân tham gia ngăn chặn và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bắt đầu bằng cách thay đổi các quan niệm văn hóa mang tính phân biệt đối xử đang cho phép bạo lực xảy ra.

Việc này là cần thiết, song có lẽ dùng luật để bảo vệ quyền lợi của phái yếu có tác dụng phòng chống BLGĐ mạnh mẽ hơn cả. Nếu cơ quan lập pháp sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý, từ việc mở rộng đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý đến luật hóa trách nhiệm cung cấp thông tin về dịch vụ trợ giúp pháp lý sẵn có cho người bị hại và người tham gia khác, chắc chắn hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ đến được với các nạn nhân BLGĐ. Đây sẽ là giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam hơn việc kêu gọi, tìm kiếm sự giúp đỡ.

Hồ Bách