Fed nâng lãi suất: Có điều chỉnh tỷ giá VND/USD?
Tài chính - Ngày đăng : 11:45, 17/12/2015
Đêm qua, sau cuộc họp hai ngày, Ủy ban thị trường mở (FOMC) thuộc Fed đã quyết định nâng lãi suất từ 0-0,25% lên 0,25-0,5%. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất trong gần 10 năm qua. Năm 2016, lãi suất sẽ được nâng từ từ, mỗi lần tăng 0,25% với 4 lần tăng. Theo đó, đến cuối năm 2016, lãi suất sẽ ở mức khoảng 1,375%.
Đánh giá về việc tăng lãi suất của Fed, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, Fed nâng 0,25% lãi suất sẽ tác động đến một số lĩnh vực của Việt Nam như nợ nước ngoài của Việt Nam tăng lên do cơ cấu nợ của Việt Nam liên quan nhiều đến đồng USD; dịch chuyển dòng vốn đầu tư bởi trước đó, lường trước khả năng tăng lãi suất của Fed, dòng vốn đầu tư đã có dấu hiệu chuyển ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam; tạo áp lực lên tỷ giá.
Về áp lực tỷ giá, theo chuyên gia này, từ nay đến cuối năm, đầu năm 2016, và cả năm 2016, áp lực lên tỷ giá là rất lớn. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ tỷ giá ổn định đến đầu năm 2016 để đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, tỷ giá năm 2016 dự báo sẽ chịu nhiều áp lực do Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất một số lần nhỏ khác nữa, vì thế các nước khác sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá, nhất là những nước có mối quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, Ngân hàng Nhà trước mắt sẽ giữ cam kết tỷ giá. “Với mối quan hệ cung-cầu như hiện nay, với lượng dự trữ ngoại hối hiện nay và sử dụng đồng bộ công cụ, Ngân hàng Nhà nước có thể đảm bảo ổn định tỷ giá đến cuối năm và đầu năm tới”, chuyên gia Lực nói. “Nhưng năm 2016 có lẽ Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn”, chuyên gia nói thêm.
Tỷ giá đang chịu áp lực lớn (ảnh minh họa, nguồn: Inernet) |
Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bình luận, việc Fed tăng lãi suất đã được dự đoán từ trước nên không có gì bất ngờ. Fed tăng lãi suất sẽ khiến áp lực lên tỷ giá VND/USD rất lớn vì tăng lãi suất đồng nghĩa với giá trị của đồng USD được nâng lên, do đó, nhu cầu về USD tăng lên, đẩy áp lực tỷ giá trong nước gia tăng.
Khi USD tăng giá trị, lòng tin của người dân vào VND có thể bị lung lay dù cho hiện nay chênh lệch lãi suất huy động VND và USD vẫn là khá lớn.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước có nhiều công cụ để ổn định tỷ giá: Đó là biện pháp hành chính. Biện pháp này thời gian qua đã được Ngân hàng Nhà nước sử dụng qua việc ban hành thông tư giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối nhằm hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ và giảm lãi suất huy động USD xuống mức 0-0,25%/năm.
Biện pháp nữa là bán ngoại tệ để cân bằng cung-cầu trên thị trường. Tuy nhiên, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước có hạn, nếu bán thường xuyên sẽ khiến thị trường ngoại hối trong nước vào rủi ro lớn, vì vậy, không thể bán mãi.
Ngoài ra, còn biện pháp khác là khuyến nghị người dân, doanh nghiệp không đầu cơ ngoại tệ, kêu gọi các ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định, không được đẩy giá lên.
Và một biện pháp vô cùng quan trọng là điều chỉnh tỷ giá.
Nhưng trước đây Ngân hàng Nhà nước ra thông điệp giữ ổn định tỷ giá đến đầu năm 2016. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dù không muốn nhưng việc sử dụng công cụ điều chỉnh tỷ giá là cần thiết để tránh trường hợp những kẻ đầu cơ ngoại tệ có “đất” để hoạt động. Ông dự đoán, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá, muộn là vào đầu năm 2016.