Hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 17/12/2015
Hiện nay, mô hình Hội đồng trẻ em đã được nhiều nước áp dụng và đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, giúp các em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề các em quan tâm. Tuy vậy, để xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, rất cần có những nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện, nhằm nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, thúc đẩy tăng cường ưu tiên, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tại địa phương. Mô hình Hội đồng trẻ em hoạt động hiệu quả chính là góp phần kiến tạo môi trường pháp lý phù hợp với những điều kiện chăm sóc tốt nhất dành cho trẻ em, hướng đến các thế hệ tương lai khỏe mạnh, thông minh, tự tin hơn; để chính các em là người sẽ xây dựng một thế giới nhân văn, đoàn kết, hòa bình và phát triển bền vững.
Trẻ sẽ phát triển toàn diện, tự tin thông qua mô hình Hội đồng trẻ em. Ảnh: Đức Nghiêm |
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, 25 năm qua, kể từ ngày ký Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Công ước CRC), Việt Nam luôn nhất quán chính sách dành sự ưu tiên đặc biệt cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và thực tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Dù vậy, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, hành hạ, ngược đãi, lạm dụng, bị bóc lột sức lao động còn diễn ra phức tạp, nhất là đối với trẻ em gái, trẻ em sinh sống ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, rất cần được bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột, phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em phải còng lưng đeo ba lô đựng sách nặng trĩu đến trường, học liên miên 3 buổi trong ngày, không còn thời gian vui chơi; trẻ bắt buộc phải vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn… mà không được bày tỏ ý kiến… vẫn xảy ra. Việc trẻ em bị bảo mẫu, thầy cô giáo, cha mẹ đẻ, người thân, hàng xóm… hành hạ, lạm dụng hoặc thờ ơ, bỏ mặc, gây tổn thương tinh thần, thể xác hoặc mất mạng vẫn xảy ra cho thấy sự cần thiết có một mô hình giám sát, đánh giá độc lập, tham mưu, kiến nghị về việc thực hiện quyền trẻ em. Nếu mô hình này thực hiện hiệu quả, chắc chắn tình trạng trẻ em bị hành hạ, đánh đập, bị ép buộc… sẽ bị ngăn chặn từ sớm.
Tại Việt Nam, trẻ em chiếm 1/3 dân số nên tiếng nói của các em về các vấn đề liên quan đến trẻ em rất quan trọng. Thành viên Hội Bảo vệ quyền trẻ em Nguyễn Lan Minh cho rằng, sự ra đời của Hội đồng trẻ em là rất cần thiết. Hội đồng trẻ em phải đặt tiêu chí quan trọng nhất là nâng cao vai trò giám sát và tôn trọng ý kiến của trẻ em. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, hỗ trợ, trang bị những kỹ năng cần thiết cho các em.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia cho rằng, Hội đồng trẻ em phải do trẻ em điều hành với sự cố vấn, tư vấn của các chuyên gia nhằm đề xuất, kiến nghị các cấp, ban, ngành liên quan thực hiện tốt các quy định của Luật Trẻ em tại địa bàn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em tham gia các tổ chức, các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, vì sự phát triển toàn diện của trẻ. Thực hiện mô hình Hội đồng trẻ em cũng là thực hiện các nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng, trong đó xác định Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của trẻ em.
Trong Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được giao chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT&DL, Bộ Tư pháp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em xây dựng thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em tại ít nhất 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Yên Bái). |