Nhập khẩu hàng chục nghìn liều vắc xin "5 trong 1": Như “muối bỏ bể”!
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:25, 17/12/2015
Không nâng giá vắc xin
Thông tin về một lượng vắc xin dịch vụ "5 trong 1" được đưa về nước ta khiến nhiều bà mẹ sốt sắng gọi điện hoặc trực chờ đăng ký trên các trang web của các điểm tiêm chủng. Tuy nhiên, trên thực tế, các điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tình trạng "cháy" vắc xin dịch vụ "5 trong 1" và "6 trong 1".
Giống như nhiều phụ huynh khác, chị Nguyễn Thu Thủy (ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) đã đăng ký tiêm vắc xin "5 trong 1" cho con tại các điểm dịch vụ trên địa bàn thành phố suốt cả năm qua mà vẫn chưa đến lượt. Theo chị Thủy, nếu tới đây vẫn không có vắc xin dịch vụ thì sẽ đưa con sang Singapore để tiêm, vì không thể trì hoãn mãi việc tiêm phòng. "Qua mạng internet, tôi thấy nói về việc có thể mua vắc xin "xách tay" với giá 20-30 triệu đồng/mũi rồi mời bác sĩ về tiêm. Tuy thế, vì lo rằng chất lượng của những loại vắc xin này không bảo đảm nên tôi không dám cho con tiêm", chị Thủy cho biết.
Các bậc phụ huynh vẫn rất lo lắng vì lượng vắc xin “5 trong 1” nhập khẩu chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Ảnh: Lê Tuấn |
Nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ "5 trong 1" là rất lớn. Vấn đề là khả năng đáp ứng nhu cầu thế nào? Đề cập đến việc phân phối vắc xin dịch vụ, bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty Hồng Thúy, nhà cung cấp độc quyền vắc xin "5 trong 1" dịch vụ ở khu vực phía Bắc cho biết, vào ngày 14-12, công ty đã nhận được 15.000 liều vắc xin này. Ngoài 15.000 liều cho khu vực phía Bắc còn có khoảng 25.000 liều vắc xin "5 trong 1" được chuyển về khu vực phía Nam. Hiện nay, vắc xin đã được chuyển đi kiểm định theo quy định trước khi đưa ra thị trường. Việc phân bổ vắc xin sẽ được thực hiện theo quy định, nhưng vì số lượng vắc xin nhập về lần này khá ít, nhiều khả năng chỉ đủ tiêm trong vòng một tháng nên sẽ được tập trung cho các điểm tiêm chủng lớn. Đơn cử như tại Hà Nội, vắc xin sẽ được phân bổ về Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Việt - Pháp, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội và một số phòng khám có phòng tiêm chủng theo quy định của Nhà nước. Còn tại các địa phương khác, công ty chỉ phân bổ với số lượng hạn chế, khoảng 50-100 hộp tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Trước khả năng nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều người tỏ ý lo ngại bởi trong bối cảnh vắc xin dịch vụ khan hiếm thì giá vắc xin "5 trong 1" nhập về lần này sẽ bị đẩy lên cao. Về vấn đề này, bà Đặng Hồng Thúy khẳng định sẽ không có chuyện nâng giá vắc xin. Hiện nay, một số công ty và cá nhân đang chào bán vắc xin với giá cao nhưng không liên quan tới Công ty Hồng Thúy. Giá bán vắc xin "5 trong 1" đã được điều chỉnh từ tháng 6-2014, vẫn là 629.200 đồng/mũi. Mỗi trẻ tiêm 3 mũi để ngừa 5 bệnh (gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib). Công ty Hồng Thúy không "mua đi bán lại", nhất là không bán vắc xin tới các quận để tránh tình trạng "tiêm dạo".
Sẽ tiếp tục khan hiếm
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, từ nay đến năm 2016 Việt Nam sẽ khó nhập vắc xin dịch vụ "5 trong 1" và "6 trong 1" của Pháp, Bỉ. Nguyên nhân là do các hãng chỉ sản xuất vắc xin theo đơn đặt hàng lớn từ cách đây 2-3 năm, vì vậy, không có thừa vắc xin để bán cho Việt Nam.
Cũng liên quan đến vấn đề vắc xin được rao bán trôi nổi trên thị trường trong thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Bộ Y tế cấm việc buôn bán vắc xin ngoài thị trường, do vậy, người dân không nên tự mua, tự tiêm vắc xin "xách tay". Vẫn theo ông Trần Đắc Phu, vắc xin không bảo đảm chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình thì rất dễ xảy ra phản ứng sau tiêm. Ngoài ra, nếu người tiêm không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nên khi xảy ra phản ứng thì rất nguy hiểm.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đến chiều ngày 16-12 Trung tâm chưa nhận được thông báo về việc phân bổ vắc xin dịch vụ "5 trong 1". Hiện, tại các điểm tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hai loại vắc xin dịch vụ "5 trong 1" và "6 trong 1" đã hết. Tình hình khan hiếm hai loại vắc xin dịch vụ này có thể kéo dài đến hết năm 2016.