Liệu có "hữu danh vô thực"?

Thế giới - Ngày đăng : 06:16, 17/12/2015

(HNM) - Trong một nỗ lực mới nhằm ngăn chặn đà mở rộng của các nhóm khủng bố, 34 nước quốc gia Hồi giáo vừa quyết định thành lập Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu.

Liên minh Hồi giáo chống khủng bố ra đời trong bối cảnh các nhóm khủng bố ngày càng mở rộng hoạt động.


Đây là một tín hiệu đáng mừng, được đưa ra giữa lúc mối quan ngại của cộng đồng thế giới về các âm mưu tấn công khủng bố ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc tranh giành lợi ích giữa các nước lớn trên "bàn cờ" Trung Đông đang diễn ra khốc liệt, nhiều ý kiến cho rằng, các thành viên tham gia liên minh chống khủng bố khó có thể cùng hành động một cách hiệu quả.

Bản danh sách dài các nước Arab như Ai Cập, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất cùng nước Hồi giáo khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan và các nước vùng Vịnh, Châu Phi... trong liên minh chống khủng bố có thể làm thế giới yên tâm hơn phần nào. Thế nhưng, nếu xem xét kỹ, có thế thấy Iran - một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng và có tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với an ninh vùng Vịnh - lại không góp mặt.

Nguyên nhân được cho là vì Saudi Arabia thực hiện chiến dịch ném bom và đưa bộ binh tới Yemen, nhằm khôi phục quyền lực cho tổng thống bị truất phế của nước này từ tay của các chiến binh Houthis do Iran hậu thuẫn. Bên cạnh đó, Iraq, một nước phần lớn là người Hồi giáo theo dòng Shitte, vốn có nhiều mâu thuẫn với người Hồi giáo theo dòng Sunni hiện chiếm đa số tại Saudi Arabia, cũng không tham gia Liên minh chống khủng bố mới này.

Đây chỉ là những chi tiết cho thấy những mâu thuẫn, chia rẽ ngay trong nội bộ các quốc gia Hồi giáo có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các chiến dịch chống khủng bố của Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Đó là còn chưa đề cập đến việc nguồn kinh phí khổng lồ sử dụng cho cuộc chiến chống khủng bố sẽ được huy động như thế nào vì nền kinh tế nhiều quốc gia tại khu vực không thuộc hàng "dư dả".

Trong khi đó, nguồn tin mới nhất từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, cho tới nay, chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu đã tiêu tốn hơn 5,2 tỷ USD, tức là chi phí mỗi ngày lên tới 11 triệu USD. Còn Nga cũng phải mất khoảng 2,4 triệu USD/ngày. Ngay cả Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, về mặt hình thức lên tới 65 quốc gia, thế nhưng trên thực tế chỉ có 10 nước đóng góp và tham gia tích cực. Do vậy, không phải vô cớ mà nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ Liên minh chống khủng bố của 34 nước Hồi giáo rất có thể chỉ mang tính biểu tượng.

Trong nội dung kế hoạch hành động ban đầu được Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir thông báo ngày 16-12, Liên minh này sẽ triển khai binh sĩ tới các khu vực để chống khủng bố trong trường hợp cần thiết với trung tâm tác chiến chung đặt tại Riyadh để điều phối và hỗ trợ các chiến dịch quân sự. Ngoài ra, các thành viên cũng đẩy mạnh bảo đảm an ninh và sau đó là đấu tranh chống tư tưởng bạo lực...

Tuy nhiên, điểm sáng giá nhất và được đánh giá hiệu quả nhất trong kế hoạch mà Ngoại trưởng Adel al-Jubeir đưa ra là việc chia sẻ thông tin tình báo và chuẩn bị nhiệm vụ hỗ trợ các nước khác. Điều này có nghĩa là các nước sẽ phải nghiêm túc khi chia sẻ thông tin và thực hiện các nỗ lực ngăn ngừa các âm mưu khủng bố. Thế nhưng, trong bối cảnh lợi ích chiến lược của các quốc gia trong khu vực có nhiều khác biệt, mỗi thành viên lại có những mục tiêu theo đuổi riêng rẽ, các nhà phân tích cho rằng, việc chia sẻ thông tin một cách trung thực, đầy đủ cũng không phải là điều dễ dàng.

Cụ thể hơn, thành lập khối liên minh quân sự lớn, nhất là lại bao gồm nhiều nước thuộc các châu lục khác nhau sẽ mất nhiều thời gian để thống nhất được mục tiêu hành động, đường lối lãnh đạo, khả năng tham chiến trong lĩnh vực nào và phần đóng góp của các nước thành viên. Vì thế, không ít người tỏ ra nghi ngờ đây chỉ là một động thái nhằm khuếch trương uy tín và ảnh hưởng tại khu vực của Saudi Arabia trong bối cảnh Iran đang nổi lên mạnh mẽ sau khi ký kết thành công thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây. 

Phương Quỳnh