Hà Nội: Gần 5 triệu lượt người học tập tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị

Chính trị - Ngày đăng : 14:50, 16/12/2015

(HNMO) - Sáng 16-12, Thành uỷ Hà Nội tổ chức tổng kết 20 năm hoạt động các Trung tâm bồi dưỡng chính trị trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 100-QĐ/TW ngày 3-6-1995 của Ban Bí thư Trung ương (khoá VII) về thành lập Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.


Hà Nội hiện có 30 Trung tâm bồi dưỡng chính trị, tương đương với mỗi quận, huyện, thị xã có một trung tâm. Sau 20 năm hoạt động, các Trung tâm BDCT quận, huyện, thị thuộc Đảng bộ thành phố đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác bồi dưỡng, đào tạo có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Khắc phục khó khăn từ những buổi đầu thành lập, đến nay, hầu hết các Trung tâm đều có cơ sở vật chất khang trang, điều kiện làm việc, trang thiết bị dạy và học khá hiện đại. Đội ngũ cán bộ, giảng viên từ chủ yếu là kiêm nhiệm, bất cập về chuyên môn, đến nay đã có bước trưởng thành đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Quy mô hoạt động của các Trung tâm được mở rộng cả về loại hình và tính chất bồi dưỡng, đào tạo. Khối lượng bồi dưỡng, đào tạo tổng bình quân tăng gần 5 lần so với năm đầu thành lập.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể. Ảnh: Nguyệt Ánh


Trong 20 năm hoạt động, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị thuộc Đảng bộ thành phố đã mở khoảng 20 nghìn lớp bồi dưỡng, đào tạo các loại với gần 5 triệu lượt học viên.

Nội dung, chương trình, phương thức thực hiện ngày càng phù hợp với đối tượng học. Phương pháp giảng dạy không ngừng được đổi mới. Công tác quản lý lớp học chặt chẽ và đi vào nền nếp. Công tác phối hợp với các đơn vị bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Trình độ cán bộ, công chức, giảng viên Trung tâm ngày càng được nâng cao. Đội ngũ giảng viên kiêm chức được chọn lựa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

20 năm hình thành và phát triển đã thật sự khẳng định vị trí, vai trò các Trung tâm BDCT thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội, góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp tổ chức thực hiện cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở; đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể, giữ vững ổn định chính trị và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và thành phố. Đội ngũ cán bộ, đảng viên sau bồi dưỡng, đào tạo đã tích cực vận dụng lý luận vào thực tiễn, nhận thức chính trị và trình độ nghiệp vụ có bước phát triển tốt, vươn lên đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, các tham luận tại hội nghị đã chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục giải quyết để từng bước hoàn thiện về tổ chức hoạt động của các Trung tâm BDCT. Đó là việc đầu tư cơ sở vật chất chưa theo hướng chuẩn hóa; việc bố trí cán bộ, công chức, giảng viên làm việc tại Trung tâm chưa có quy hoạch phù hợp với đặc thù tính chất chuyên nghiệp, luân chuyển cán bộ chưa có tính ổn định; chưa có cơ chế đặc thù để đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, giảng viên; chưa có chế độ đãi ngộ nhằm thu hút, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách như hệ thống giáo dục quốc dân….

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố đã chỉ rõ về yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp của Thành phố trong sạch về đạo đức, lối sống; vững mạnh về chính trị, tư tưởng; có trình độ chuyên môn vững vàng, năng lực thực tiễn tốt đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới.

Để đáp ứng được yêu cầu đó và tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị đạt hiệu quả bền vững trong những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Từ thực tiễn 20 năm hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị, xác định cơ sở lý luận và định hướng để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng nói chung, công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế và làm cơ sở cho việc từng bước chuẩn hóa mô hình hoạt động Trung tâm bồi dưỡng chính trị của Thành phố. Qua tổng kết, đề xuất với Trung ương những giải pháp tăng cường xây dựng và phát triển các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, đào tạo tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị không chỉ trang bị, bồi đắp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở về lý luận chính trị, về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp tổ chức thực hiện công việc, mà cần chú trọng hơn vào giáo dục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, tư tưởng chính trị vững vàng, có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: “Công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, đào tạo cần trực tiếp góp phần tích cực xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sach, vững mạnh, mà trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Quá trình triển khai cần gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp của Thành phố, trong đó thường xuyên thực hiện tốt các giải pháp kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, gắn với thực hiện có hiệu quả kế hoạch sữa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, xử lý nghiêm vi phạm; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trong công tác quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy và cấp ủy các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ trong thời kỳ mới. Đề cao trách nhiệm cá nhân, tinh thần phục vụ nhân dân. Lấy tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo đánh giá cán bộ”.

Quốc Bình