Tại sao Nga đưa xe tăng T-90 tới Syria?

Xã hội - Ngày đăng : 11:32, 16/12/2015

Hệ thống hỏa lực mạnh hơn, hệ thống phòng vệ đẳng cấp hơn có lẽ là những lý do khiến Nga đưa xe tăng T-90 đến Syria thay vì T-72B3.


Tiếp tục xuất hiện nhiều hình ảnh cho thấy Quân đội Nga đã triển khai số lượng nhỏ xe tăng T-90 hiện đại tới Syria tham chiến chống IS và các phe phái nổi dậy khác. Ảnh: Một binh sĩ Syria đứng cạnh dàn tăng T-90 hiện đại.


Việc Nga đưa xe tăng T-90 tới Syria khiến giới phân tích đặt ra không ít câu hỏi, khi mà Nga cũng sở hữu các xe tăng T-72B3 đã được nâng cấp với nhiều tính năng tiệm cận T-90. Việc để mất một chiếc xe tăng T-72B3 trên chiến trường sẽ dễ chấp nhận hơn là T-90 thuộc hàng hiện đại nhất.


Tuy nhiên, khi xét về mặt kĩ thuật, xe tăng T-90 ra đời là sự kết hợp giữa sự giản tiện của T-72 với trang bị, hỏa lực và khả năng bảo vệ của T-80 đắt đỏ. Vì vậy, khả năng bảo vệ của giáp phức hợp trên T-90 được cho là cao hơn hẳn so với T-72B3. Ngoài ra, dù đã được nâng cấp nhưng nhìn chung tính bảo vệ của T-72B3 chỉ tương đương với xe tăng cuối những năm 1980.


Cùng với đó, T-90 còn được trang bị hệ thống gây nhiễu quang điện tử TShU-1-7 Shtora-1 có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống dẫn bắn trên xe tăng, xe bọc thép hay tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai. Hiện trên T-72B3 không có trang bị này.


Cận cảnh một trong hai đèn hồng ngoại (thành phần của hệ thống Shtora-1) sẽ liên tục phát xung hồng ngoại theo quy tắc để làm nhiễu khi phát hiện có tên lửa chống tăng đang bay tới.


Về mặt hỏa lực, T-72B3 và T-90 cùng sử dụng pháo nòng trơn 2A46M 125mm kết hợp hệ thống nạp đạn tự động và khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng. Nhìn chung, khả năng chống tăng của T-72B3 và T-90 là tương đương nhau.


Tuy nhiên, mặt khác biệt và là ưu thế hơn so với T-72B3 là việc T-90 được trang bị trạm điều khiển vũ khí từ xa lắp đại liên 12,7mm. Vũ khí này giúp chế áp hỏa lực bộ binh đối phương ở cự ly gần, đối phó với việc kẻ địch sử dụng RPG tấn công cự ly dưới 200m.


Nhìn chung, việc sử dụng vũ khí điều khiển từ xa giảm đáng kể thương vong cho pháo thủ. Bởi trên chiến trường, người điều khiển bắn khẩu đại liên trên nóc là người có xác suất thiệt mạng cao nhất.


Theo báo QĐND, điểm đặc biệt nữa là T-90 được trang bị hệ thống kích nổ đạn điện tử Aynet chuyên để chống mục tiêu không được bọc thép. Hệ thống này hoạt động dựa trên nguyên tắc: Thiết bị đo xa la-de sẽ tính toán khoảng cách đến các mục tiêu mềm có thể bị tiêu diệt hoặc tổn thương bởi đạn nổ phá mảnh; thông tin về mục tiêu sau đó được máy tính trên xe tăng xử lý và nạp vào đầu đạn chuyên dụng; sau khi khai hỏa, đầu đạn sẽ tự kích nổ theo các thông số cài đặt trước, thường là ở trên không trung, gần mục tiêu; vụ nổ sẽ tạo ra vùng sát thương bằng sức ép, mảnh phá tiêu diệt mục tiêu.


Chuyên gia Nga tính toán, hệ thống Aynet có hiệu năng tác chiến chống bộ binh cao gấp 3 lần so với đạn tăng nổ phá mảnh truyền thống và tầm bắn đạn được nâng lên tới 4km. Hiện, Aynet chỉ được trang bị trên xe tăng T-90, mà không có trên xe tăng T-72B3.


Một điểm nữa khiến Nga đưa T-90 tới Syria thay vì T-72B3 có lẽ là nhằm tạo nên thương hiệu thực sự cho dòng tăng này để tiếp cận tới thị trường mới ngoài Ấn Độ.


Bước đầu, việc đưa T-90 tới Syria đã đem lại hiệu quả nhất định khi Iran đã ngỏ ý muốn mua T-90. Ngoài ra, một số nước Trung Đông khác cũng bắt đầu quan tâm tới T-90 và bản nâng cấp T-90SM.

Theo Kiến Thức