Chọn lọc để bảo tồn, phát huy giá trị

Văn hóa - Ngày đăng : 06:59, 16/12/2015

(HNM) - Trước nguy cơ mất dần những di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quý giá, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp


Bức tranh đa dạng

Qua quá trình nhận diện, kiểm kê, các nhà khoa học và cộng đồng đã nhận diện được khoảng 1.500 DSVHPVT. Những vốn quý này có ở hầu hết địa phương trên địa bàn Hà Nội, trong đó có gần 200 di sản cần được ưu tiên bảo vệ. Con số này gây ngạc nhiên với cả những người làm công tác quản lý và nghiên cứu DSVHPVT lâu năm. TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi không thể ngờ trong lòng Thủ đô có nhiều di sản đến thế. Di sản không phải cái gì quá to tát, nó rất gần gũi với đời sống sinh hoạt hằng ngày".


Hát trống quân ở Phúc Thọ.


Nhận rõ bức tranh đa dạng về di sản, Sở VH-TT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát triển di sản văn hóa Việt Nam cùng cộng đồng lựa chọn ra một số di sản tiêu biểu để xây dựng dự án bảo tồn khẩn cấp. Hiện nay, dự án nghiên cứu, bảo vệ nghệ thuật trình diễn hát trống quân đã được triển khai ở xã Khánh Hà (Thường Tín), Phúc Tiến (Phú Xuyên) và Hát Môn (Phúc Thọ). Nhờ đó, điệu hát từng được cộng đồng say mê đến nỗi "dù bị đánh chết vẫn cứ đi hát" (lời nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy, xã Khánh Hà) đã trở lại với cộng đồng sau hàng chục năm bị lãng quên. Tại xã Khánh Hà, CLB Hát trống quân đã được thành lập, nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy, Nguyễn Văn Bôn ở tuổi "xưa nay hiếm" đang chạy đua với thời gian để trao truyền di sản cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Yểng, Lương Mai Hồng… cũng đã truyền dạy thành công những điệu hát trống quân cơ bản cho hàng chục người trẻ ở xã Hát Môn.

Tương tự, dự án nghiên cứu, bảo vệ nghề rèn ở Đa Sỹ, phường Kiến Hưng (Hà Đông) nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của cộng đồng. Người làm nghề rèn ở Đa Sỹ hiện có thể tự kể những câu chuyện về lịch sử làng nghề, về việc làm nghề, giữ nghề bằng hình ảnh, bằng lời nói, bằng việc làm. "Bao đời nay chúng tôi làm nghề chỉ biết làm, việc truyền dạy cho con cháu được thực hiện theo cách chúng tôi hiểu. Trong thời đại công nghệ phát triển, kỹ thuật sản xuất truyền thống dần được thay thế bằng máy móc, làng nghề truyền thống dần trở thành những xưởng sản xuất quy mô nên tri thức và kinh nghiệm dân gian bị mai một là khó khánh khỏi. May mắn là chúng tôi hiểu được những giá trị có một không hai về nghề của làng mình trước khi quá muộn", ông Nguyễn Văn Tý (Tổ 8, phường Kiến Hưng) chia sẻ.

Ngoài ra, dự án nghiên cứu, bảo tồn bơi chải và hội đình Lưu Xá ở xã Hòa Chính (Chương Mỹ); nghệ thuật hát và múa Ải Lao ở làng Hội Xá (phường Phúc Lợi, Long Biên) và tri thức chữa bệnh dân gian bằng thuốc Nam của người Dao ở xã Ba Vì (Ba Vì) đã, đang được triển khai, góp phần làm di sản hồi sinh mạnh mẽ và từng bước bám rễ trong cộng đồng.

Nhà nghiên cứu văn hóa - PGS Nguyễn Văn Huy: "Nhìn một cách tổng quát, chúng ta thường thấy mọi DSVHPVT đều do cộng đồng nắm giữ, nhưng khi xem xét cụ thể, rõ ràng có di sản do cộng đồng lớn nắm giữ, có di sản do cộng đồng nhỏ hơn, thậm chí một nhóm người nắm giữ. Chẳng hạn, cộng đồng tham gia bảo tồn, phát huy giá trị hội Gióng là các làng, xã, còn cộng đồng bảo tồn nghệ thuật trình diễn hát trống quân, tri thức chữa bệnh dân gian bằng thuốc Nam của người Dao… chỉ là một nhóm người. Thế nên, bảo tồn di sản theo hướng có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm riêng của từng di sản sẽ giúp Hà Nội giữ được tinh hoa văn hóa".

Khẳng định một hướng đi đúng

Từ những dẫn chứng cụ thể nói trên, có thể khẳng định, việc xây dựng các dự án để bảo tồn di sản theo cách Hà Nội đang làm là hướng đi đúng. Song, với một kho tàng di sản đồ sộ, không ít người lo ngại liệu Hà Nội có đủ nguồn lực để đầu tư cho tất cả các di sản. Mặt khác, cách làm này có thể tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước từ phía cộng đồng?

Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, nhằm cứu một số di sản có giá trị điển hình thoát khỏi nguy cơ mất hẳn, Hà Nội lựa chọn và ưu tiên đầu tư cho một số di sản chứ không phải tất cả các di sản đều được bảo tồn thông qua dự án hỗ trợ của Nhà nước. Trên thực tế, các dự án đã triển khai cũng không theo cách đầu tư dàn trải mà chọn từ cộng đồng một nhóm nòng cốt, gồm những người nắm giữ, có khả năng trao truyền di sản, để tập huấn và hướng dẫn họ cách thức truyền dạy, phổ biến di sản tới cộng đồng. Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục, phát triển di sản theo hướng bền vững, chứ không phải chỉ làm cho có phong trào rồi bỏ đấy".

Thực tế triển khai công tác bảo tồn hát xoan (Phú Thọ), quan họ (Bắc Ninh) cũng đã chứng minh, khi di sản được đầu tư toàn diện và có chiều sâu thì sẽ gặt hái thành công lớn hơn mong đợi. Với hướng đi đúng, hy vọng những DSVHPVT từng rất nổi tiếng trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến sẽ hồi sinh, phát triển bền vững trong tương lai gần.

Hà Hiền