Nan giải bài toán giảm nghèo bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 16/12/2015
Nhằm thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2014-2015, TP Hồ Chí Minh đã triển khai rà soát, lập danh sách hộ nghèo đầu giai đoạn là 83.031 hộ, trong đó có 76.657 hộ nghèo từ giai đoạn trước chuyển sang và 6.374 hộ nghèo bổ sung mới. Tính đến ngày 31-8-2015, thành phố đã giảm được 66.383 hộ nghèo, số hộ nghèo còn lại là 17.389 hộ, chiếm tỷ lệ 0,89% tổng hộ dân thành phố. Bên cạnh đó, hiện thành phố còn 46.971 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,39% tổng hộ dân thành phố. Đáng chú ý, từ đầu giai đoạn đến nay, thành phố đã tăng thêm 45.444 hộ cận nghèo mới.
Cần Giờ là huyện có nhiều hộ nghèo nhất của TP Hồ Chí Minh. |
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tốc độ giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2014-2015 tuy nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, dễ dẫn đến tái nghèo. Nguyên nhân được cho là do quá trình tích lũy trong thu nhập chưa ổn định. Công việc làm ăn, sản xuất của hộ nghèo còn khó khăn, lúng túng trong mưu sinh. Mặt khác, các nhu cầu bức thiết của cuộc sống như bảo hiểm y tế, văn hóa, học nghề, nhà ở... vẫn nan giải, trong khi các chính sách hỗ trợ ở nhiều địa phương chưa tác động kịp thời.
Chương trình giảm nghèo bền vững của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân 1%/năm. Theo đó, bình quân thu nhập của hộ nghèo thành phố vào năm 2020 tăng lên 3,5 lần so với năm 2011. Tất cả hộ nghèo và hộ cận nghèo đều được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, thông tin... |
Theo các chuyên gia, đưa ra chuẩn nghèo nếu chỉ dựa vào thu nhập (để xác định hộ nghèo) là chưa phù hợp với mức sống và điều kiện thực tế của người dân thành phố. Thực tế cho thấy, do chuẩn nghèo của thành phố tăng nên một số địa phương đã gặp khó khăn trong công tác vận động chăm lo, giúp đỡ cho những hộ nghèo vượt chuẩn nghèo của giai đoạn mới. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chí thú làm ăn hoặc không muốn thoát khỏi hộ nghèo. Trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn.
Theo kế hoạch, trong năm 2015, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% và tỷ lệ hộ cận nghèo xuống dưới 2% trên tổng số hộ dân thành phố. Tiếp đó, sẽ chuyển sang thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Ngày 8-12, UBND TP Hồ Chí Minh đã trình HĐND thành phố về Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016-2020. Theo đó, chương trình này sẽ được tiếp cận và chuyển đổi dần từ phương pháp đơn chiều (chuẩn nghèo theo thu nhập) sang phương pháp đa chiều. Qua đó, thành phố tiếp tục điều chỉnh chuẩn nghèo thu nhập phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời sử dụng song song phương pháp đo lường nghèo đa chiều để làm cơ sở xác định chuẩn nghèo, hộ cận nghèo của thành phố. Để thực hiện chương trình, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nghiên cứu cơ sở tính toán, xác định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo hướng đa chiều với 5 hướng tiếp cận khác nhau là y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội.
Trước nguy cơ người nghèo đô thị có dấu hiệu "phình ra" từ đối tượng người nhập cư từ các địa phương khác, TP Hồ Chí Minh cũng vừa phê duyệt dự án chính sách đối với người lao động nhập cư năm 2016 nhằm giúp đối tượng này tiếp cận đầy đủ quyền lợi về cư trú và an sinh xã hội. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là nhiệm vụ trọng tâm và căn cơ nhất để hỗ trợ cho người nghèo. Đặc biệt, những hộ đã vượt được chuẩn nghèo, có thu nhập trên 21 triệu đồng/người/năm vẫn được thành phố tiếp tục hỗ trợ các chính sách như cho vay vốn, tạo công ăn việc làm để tránh nguy cơ tái nghèo.