Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ: Chưa có tín hiệu hạ nhiệt
Thế giới - Ngày đăng : 06:43, 16/12/2015
Nga vừa cấm nhập thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ tại các siêu thị ở Mátxcơva. |
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cuộc gặp được cả hai bên đồng ý khi hai nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng... Và đến nay, cả Tổng thống V.Putin và người đồng cấp R.Erdogan đều có những tuyên bố mạnh mẽ, chỉ trích lẫn nhau xung quanh vụ Ankara bắn hạ cường kích Su-24 của Nga. Người phát ngôn D.Peskov nhấn mạnh: Cuộc gặp không diễn ra bởi Mátxcơva chưa nhận thấy thái độ cầu thị và thực lòng của Ankara trong giải quyết vụ Su-24. Trước đó, nhà lãnh đạo Nga đã từ chối gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris (Pháp).
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng căng thẳng, Mátxcơva ra lệnh trừng phạt kinh tế và Ankara có những hành động trả đũa. Sự việc tiếp tục gia tăng trong những ngày gần đây khi Thổ Nhĩ Kỳ gây khó dễ cho tàu Nga ở eo biển do nước này kiểm soát. Hai ngày cuối tuần vừa qua đã liên tiếp xảy ra các vụ "chạm trán" giữa tàu hải quân Nga và tàu đánh cá Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc cố tình ngáng đường di chuyển của tàu Nga, bất chấp phía Nga nỗ lực liên lạc bằng radio. Thông thường sự kiện này có thể được xem là một "tai nạn". Nhưng trong bối cảnh quan hệ hai nước hiện nay thì một tướng lĩnh quân đội Nga cho rằng, động thái này là một hành động khiêu khích. Đây là diễn biến mới nhất trong số hàng loạt các bê bối mà Thổ Nhĩ Kỳ vướng phải trong thời gian qua. Ngoài vụ nước này bắn hạ máy bay ném bom của Nga đang không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên không phận Syria, Ankara bị tố mua bán dầu mỏ "bẩn" với IS và đơn phương điều quân lực sang lãnh thổ nước láng giềng Iraq... Trong một hành động cho thấy rõ những rạn nứt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Ahmet Davutoglu lên tiếng cáo buộc Mátxcơva đang nhắm mục tiêu "thanh lọc sắc tộc" ở Syria hơn là không kích chống IS. Tuy nhiên, ngay lập tức, Mátxcơva đã bác bỏ hoàn toàn.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở lằn ranh mỏng. Từ những cuộc khẩu chiến đã đi đến những hành động thực tế, đẩy quan hệ giữa hai quốc gia vốn nhiều duyên nợ đến bờ vực khủng hoảng. Trong bối cảnh này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khăng khăng khẳng định sự cần thiết phải tiến hành đối thoại để giảm căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, theo Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov, nước này chưa có bước đi thực tế. Nhà ngoại giao Nga đã đưa ra ba điều kiện cho Ankara để cải thiện quan hệ với Mátxcơva gồm: Xin lỗi Nga về vụ bắn rơi máy bay Su-24, trừng phạt những người chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại. Ông A.Karlov tuyên bố, nếu không, tất cả những lời lẽ khác của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chẳng mang lại kết quả gì.
Có thể thấy, vụ cường kích Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đang làm thay đổi bàn cờ chính trị ở Trung Đông và Châu Âu. Quan hệ ngoại giao giữa Mátxcơva và Ankara vốn đã "lỏng lẻo" nay càng trở nên lạnh lùng, xa cách. Và, dù cộng đồng quốc tế đã cùng lên tiếng kêu gọi hai bên giảm căng thẳng và đối thoại nhưng xem ra cả hai vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho một bước tiến để hàn gắn sau những "đổ vỡ" gây đau đớn.