Triển khai Luật Hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội: Không chạy theo số lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:38, 16/12/2015
Phân loại, đóng gói rau an toàn tại HTX Văn Đức (Gia Lâm) - một trong những mô hình HTX hoạt động hiệu quả thời gian qua. Ảnh: Ngọc Diệp |
Tuy nhiên, qua khảo sát đến ngày 31-8-2015, số lượng HTX trên địa bàn tiến hành tổ chức lại hoạt động theo luật mới chỉ đạt 11,5%, với 394 đơn vị.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Liên minh HTX Hà Nội nhận định: Khó khăn lớn nhất là việc làm thay đổi nhận thức của cán bộ, xã viên về hoạt động của HTX kiểu mới, bởi HTX kiểu cũ đã tồn tại khá lâu và ăn sâu trong tâm thức của mọi người. HTX kiểu mới đòi hỏi mọi thành viên phải tích cực tham gia xây dựng HTX thông qua việc góp vốn điều lệ, hợp đồng cam kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, cùng nhau chia sẻ lợi ích và rủi ro khi làm ăn thành công hoặc thua lỗ; hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát (BKS) quản lý và điều hành phải tuân thủ Luật HTX năm 2012, điều lệ HTX, quy chế hoạt động của HĐQT, quy chế làm việc của BKS và quy chế quản lý tài sản, tài chính trong HTX.
Việc xác định lại tư cách thành viên đang là trở ngại đối với HTX khi tiến hành tổ chức lại vì thực trạng ở các HTX nông nghiệp, xã viên cả làng, HTX không kiểm soát được danh sách xã viên. Vốn góp điều lệ chủ yếu là chia giá trị tài sản theo bình quân đầu người, quyền và nghĩa vụ xã viên không xác định rõ ràng. Khi vận động làm đơn tự nguyện góp vốn điều lệ tham gia thành viên thì người dân ít quan tâm mà cho là cứ có ruộng, có hộ khẩu đương nhiên là thành viên không phải góp vốn điều lệ.
Nhiều xã viên coi HTX là cơ quan thuộc UBND xã có trách nhiệm phải làm các dịch vụ nông nghiệp bắt buộc phục vụ xã viên, kể cả trong trường hợp HTX chịu thua lỗ. Việc kiểm kê, đánh giá, phân định tài sản, vốn quỹ, công nợ trong HTX nhiều nơi còn vướng mắc do chứng từ, sổ sách thất lạc. Trụ sở các HTX hầu hết chưa có quyền sử dụng đất. Cơ sở vật chất thiếu thốn, vốn nghèo, môi trường kinh doanh còn chịu nhiều áp lực đã tạo ra lý do cơ bản để các HTX chưa có định hướng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi. Ngoài ra, bộ máy quản lý HTX chưa đáp ứng với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập, nhưng nơi đâu chính quyền và bản thân HTX quyết liệt triển khai thì nơi đó, việc chuyển đổi sẽ thành công. Đơn cử như HTX nông nghiệp An Mỹ - Mỹ Đức, HTX Dương Liễu - Hoài Đức, HTX Phú Phương - Ba Vì… Ông Nguyễn Phi Đức - Giám đốc, Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu cho rằng: Trong quá trình chuyển đổi HTX theo luật mới, yếu tố con người phải được quan tâm hàng đầu.
Cán bộ quản lý HTX nói chung, Chủ tịch HĐQT (Chủ nhiệm), Giám đốc HTX nói riêng phải thực sự có năng lực, có tầm nhìn, tâm huyết với HTX, được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực, kỹ năng quản lý và phải xuất phát từ nhu cầu khách quan không thể ép buộc, phân công, tư duy theo nhiệm kỳ. Công tác cán bộ phải xét trên năng lực, không nặng về cơ cấu. Những HTX mới thành lập phải thực hiện theo đúng quy luật vận động trên tinh thần tự nguyện cùng chịu trách nhiệm.
Tiếp đến là phải có sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc: Tạo điều kiện cho các HTX khi có nhu cầu về đất làm trụ sở và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; không can thiệp sâu về công tác tổ chức, tôn trọng quyền của HTX theo pháp luật; tạo điều kiện cho HTX mở các dịch vụ như quản lý chợ, quản lý bến xe, bãi tập kết nguyên vật liệu, tổ chức dịch vụ trong các cụm điểm công nghiệp, nhà chung cư, nước sạch nông thôn...
Ông Nguyễn Phi Đức đặc biệt nhấn mạnh: Việc củng cố hay chuyển đổi toàn diện mô hình hoạt động đều cùng mục đích đưa HTX phát triển theo đúng Luật HTX năm 2012. Đổi mới để tồn tại và phát triển, từng bước nâng cao đời sống cán bộ nhân viên của HTX sẽ tạo được niềm tin của thành viên. Vì vậy không thể làm vội vàng, qua quýt, chạy theo thành tích, số lượng.
Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Phạm Văn An cho rằng, cần thực hiện 5 giải pháp đẩy nhanh tiến độ tổ chức lại HTX. Theo đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của xã hội về HTX. Cần có sự vào cuộc gắn với trách nhiệm của các sở, ban, ngành cũng như chính quyền địa phương vào việc tổ chức chuyển đổi HTX. Việc chấn chỉnh, củng cố HTX phải tuân thủ theo đúng quan điểm của Luật HTX 2012, trong đó tạo điều kiện phát triển các mô hình HTX mới có hiệu quả. Bên cạnh đó là có kế hoạch đào tạo cán bộ HTX một cách bài bản để theo kịp với mô hình phát triển mới. Đối với HTX nông nghiệp cần có kế hoạch hướng dẫn riêng và tổ chức từ "điểm" trước khi nhân ra diện rộng.