Cuối năm, cảnh giác với "bà hỏa"
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 16/12/2015
Hiện trường vụ cháy tại số 5 phố Nguyễn Khắc Cần. |
Theo Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, thời gian gần đây, tình hình cháy liên quan đến khu vực nhà dân diễn biến phức tạp và hầu hết các vụ cháy xảy ra khi hộ gia đình vừa sinh sống đồng thời vừa là cửa hàng, kho, xưởng. Đơn cử như rạng sáng 3-11, tại ki ốt bán hàng tạp hóa trong nhà dân ở số 40 đường Tứ Hiệp (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) đã xảy cháy. Cảnh sát PC&CC phải huy động gần 10 xe chuyên dụng để cứu chữa nhưng toàn bộ hàng hóa tại cửa hàng vẫn thành tro.
Trước đó, tối 26-10, một đám cháy đã bùng phát tại số nhà 34A phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà 4 tầng 1 tum kinh doanh đồ lưu niệm, các mặt hàng giấy. Khoảng 0h10 ngày 2-12, một nhà dân "kiêm" xưởng may nằm sâu trong Ngõ 31 phố Phương Liệt (quận Thanh Xuân) bốc cháy. Lực lượng cứu chữa đã phải rất nỗ lực mới dập được đám cháy, cứu được 2 người cao tuổi. Gần đây nhất, rạng sáng 9-12, lửa bùng phát tại nhà số 5 phố Nguyễn Khắc Cần (quận Hoàn Kiếm), lan ra nhiều hộ dân...
Qua khám nghiệm ban đầu các vụ cháy trên, cơ quan công an xác định hầu hết là do sự cố về điện. Song, nguyên nhân sâu xa là do cá nhân, chủ hộ gia đình chủ quan, không quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và từ đó có các hành vi vi phạm quy định về an toàn PCCC. Do tập quán sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nên nhiều hộ gia đình "sống chung" với nguy cơ cháy, nổ mà không biết hoặc biết mà coi thường. Một ngôi nhà nhỏ vài chục mét vuông có thể vừa là nơi sinh sống của cả gia đình, vừa là cửa hàng, là nơi sản xuất, thậm chí là kho chứa hàng. Nhiều hộ kinh doanh các loại hàng hóa rất dễ cháy nổ, nhưng bất chấp quy định an toàn, vẫn đun nấu, thờ cúng rất gần kho hàng hóa; kinh doanh mặt hàng dễ cháy nhưng không có thiết bị chữa cháy; sang chiết gas trái phép; câu nối thiết bị điện không đúng quy định về an toàn kỹ thuật… Ngoài ra, nhiều nhà gia cố cửa, sân thượng đề phòng kẻ gian bằng vật liệu chắc chắn, thành ra tự trói mình khi xảy cháy…
Làm thế nào để khắc phục những vi phạm như trên? Như đã nói, để dẫn đến hiện trạng mất an toàn PCCC một phần do tập quán sinh hoạt, điều kiện nhà cửa chật chội, nhu cầu mưu sinh cao nên nhiều người "bỏ qua" những yêu cầu về an toàn PCCC. Mặt khác, công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng hầu như chưa "với tới" được số đông gia đình trong diện này.
Lực lượng mỏng trong khi còn vô số những bất cập trong công tác PCCC ở nhiều cấp khác như những khu công nghiệp, đơn vị, cơ quan, tòa nhà cao tầng lớn… khiến lực lượng chức năng chưa thể xóa những "vùng trắng" rộng lớn về quản lý PCCC. Ngoài ra, về mặt pháp lý, các chế tài xử lý vi phạm về PCCC đối với hộ dân còn khá nhẹ, lại chưa được phổ cập rộng rãi, chưa có tác dụng nhắc nhở, răn đe… Trong lúc còn nhiều bất cập trong công tác phòng ngừa thì về công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khu vực nhà dân cũng còn thiếu và yếu. Điều kiện chữa cháy và thoát nạn ở khu vực này rất hạn chế do đường ngõ nhỏ hẹp, nguồn nước thiếu…
Với những thực trạng đó, về lâu dài, hạ tầng chữa cháy cho khu vực nhà dân cần có sự đầu tư, cải tạo cơ bản. Song, trước mắt, việc chủ động nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa của các chủ hộ gia đình trở thành yếu tố quyết định an toàn PCCC khu vực này. Nếu không có sự tự giác cao của chính các chủ hộ, người dân thì công tác PCCC sẽ vẫn còn là thách thức…