Phải làm rõ trách nhiệm!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:28, 16/12/2015

(HNM) - Thời gian qua, hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên phố Quang Trung, Trần Phú, đoạn từ Ba La (phường Phú La, quận Hà Đông) đến Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) bất bình vì phải trả tiền vật tư, tiền công lắp đặt cho việc thay thế các nhánh đường ống nước sạch của Công ty


Vì sao người dân bức xúc?

Hiện nay, trên quốc lộ 6, đoạn từ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm) đến Ba La (Hà Đông), UBND quận Hà Đông đang thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang vỉa hè nên nhiều hạng mục được triển khai đồng bộ như: Hệ thống thoát nước thải, cây xanh, hạ ngầm đường điện... Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (Công ty nước) cũng tiến hành thay mới đường trục chính và đường nhánh ống dẫn nước, song đã gặp phải phản ứng từ phía các hộ dân.

Công nhân Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đang lắp đặt đường ống ở Tổ dân phố 6, phường La Khê.



Ngày 1-12-2015, dọc hè phố Quang Trung, đoạn qua Tổ dân phố (TDP) 6, phường La Khê (Hà Đông), một nhóm công nhân thay thế đường ống nhánh từ trục chính của đường ống nước sạch vào đến trước đồng hồ đo nước của các hộ dân và yêu cầu các hộ phải trả tiền vật tư, công lắp đặt. Ông Nguyễn Tiến Quyết, TDP 6, phường La Khê nói: Người dân phải trả tiền thay đường nhánh ống nước sạch là bất hợp lý vì Công ty nước phải chịu trách nhiệm với đường ống dẫn nước từ trục chính vào đến đồng hồ đo nước của từng hộ dân; hộ dân phải chịu chi phí nếu tự làm hỏng đường nhánh đó và sửa chữa từ sau đồng hồ nước vào nhà… Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Cường, số nhà 321, đường Quang Trung, phường La Khê bức xúc: Việc thay thế đường nhánh ống dẫn nước là việc của Công ty nước, người dân không làm hỏng đường ống. Công ty nước cũng không có văn bản yêu cầu người dân phải cùng thực hiện. Khi thực hiện chỉnh trang vỉa hè, nếu đơn vị thi công làm hỏng đường ống nước thì đơn vị thi công phải chịu, không thể đẩy trách nhiệm sang người dân. Chúng tôi cho rằng trong dự án này phải có chi phí cho việc thay thế đường ống nước… Vậy số tiền ấy đi đâu?

Trong khi đó, bà Ngô Thị Thúy, Tổ trưởng TDP 7, phường Phú La cho biết: Ngày 18-8-2015, cán bộ Công ty nước mời đại diện các TDP 3, 4, 7 phường Phú La và TDP 9 phường Quang Trung để thỏa thuận về cách thức Công ty nước cải tạo đường ống. Tại biên bản đó, các bên đã thống nhất thay mới hệ thống cấp nước. Cụ thể, đường trục cấp nước chính do Công ty nước đầu tư và chịu nhân công lắp đặt; nhưng phần đào lấp và hoàn trả mặt bằng các hộ dân tự làm (?!). Còn điểm đấu nối từ đường trục cấp nước vào đồng hồ của gia đình gồm: Vật tư, nhân công, các hộ trực tiếp thanh toán cho đơn vị thi công (vật tư phát sinh các hộ có thể tự mua); đào lấp và hoàn trả mặt bằng các hộ tự làm. Tuy nhiên các hộ dân ở đây đã phản đối gay gắt nội dung này.

Ông Ngô Quang Đức, Phó ban Bảo vệ TDP phường Phú La, Tổ trưởng Tổ bảo vệ TDP 7, đồng thời là Phó ban Giám sát đầu tư cộng đồng phường Phú La cho biết: Ngày 22-8, 22 hộ dân trong diện được thông báo phải thay đường ống nước đã họp, trước đó có mời đại diện Công ty nước về họp cùng, nhưng đơn vị này không có ai đến dự. 22 hộ dân đã thống nhất đề nghị Công ty Nước sạch Hà Đông giải đáp những băn khoăn như: Tại sao chỉ làm đường ống nước sinh hoạt với các hộ ở mặt đường quốc lộ 6, trong khi việc thi công dự án không làm ảnh hưởng đến đường cấp nước sạch? Việc chi trả vật tư, chi phí thay đường ống nước từ trục chính vào đến đồng hồ của các hộ dân phải do Công ty nước chịu trách nhiệm, tại sao người dân lại phải trả tiền? Nếu Công ty nước có chủ trương thay thế đường ống mới và người dân phải đóng góp thì Công ty phải có công văn, bảo đảm sự công khai, tạo sự đồng thuận rồi mới được làm… Tuy nhiên, đơn đề nghị của các hộ dân không được hồi âm và việc thay đường ống nước vẫn diễn ra, hộ dân nào có nhà ở mặt đường cũng phải trả tiền mua vật tư, còn công lắp đặt từ 100.000 đến 150.000 đồng/hộ.

Một số hộ dân TDP 8, phường Mộ Lao cũng phản đối cách làm áp đặt của Công ty nước: Thợ nước đến tự tháo đường ống và thông báo người dân phải mua vật tư, phải trả tiền công lắp đặt. Chúng tôi phản ứng thì họ nói: "Nếu không lắp đặt đường ống, gia đình bị mất nước thì chúng tôi không chịu trách nhiệm". Sợ bị mất nước, các hộ đành phải chấp nhận mua vật tư. Chúng tôi không được ai thông báo, tuyên truyền, cũng không được nhận hóa đơn...

Nhiều câu hỏi cần được trả lời

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6 (đoạn Phùng Khoang - Ba La) do UBND quận Hà Đông làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 273 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong các nội dung thực hiện của dự án không có kinh phí bố trí cho hạng mục thay thế đường ống nước sạch. Do đó, khi dự án cải tạo vỉa hè triển khai đến đâu thì việc thay thế đường ống nước được Công ty nước thực hiện đến đó. Dự án cải tạo vỉa hè triển khai đã vài tháng nhưng đến nay vẫn ngổn ngang, nhiều đoạn làm không dứt điểm; đá vỡ vẫn bị dồn đống, không được di chuyển kịp thời. Đặc biệt, rất nhiều hố ga trên vỉa hè và nằm bên lề đường vẫn chưa có nắp đậy, lại không được che chắn, cảnh báo. Gần đây nhất, khoảng 20h ngày 30-11, một xe ô tô 4 chỗ bị sụt một bánh xuống hố ga trước Ngõ 861 đường Quang Trung khiến người dân rất lo ngại. Lại thêm việc hàng trăm hộ dân phải trả chi phí cho việc sửa chữa càng khiến nhiều người bức xúc.

Về những bức xúc của người dân, ông Lại Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cho rằng, người dân phải chia sẻ với khó khăn của Công ty vì đường trục chính cấp nước sạch nằm hai bên vỉa hè quốc lộ 6 được thay mới từ năm 2003 là đường ống kẽm và trong dự án cải tạo vỉa hè lại không có chi phí cho việc thay đường ống nước sạch. Vì việc chỉnh trang hè đường rất dễ ảnh hưởng đến đường ống nước nên Công ty đành thay mới trục chính và làm như vậy sẽ tránh được việc sau này lại phải đào vỉa hè... Khi triển khai, Công ty đã thỏa thuận với tất cả đại diện TDP nơi phải thay thế đường ống và tất cả các tổ trưởng TDP đều ký biên bản, đồng ý với việc các hộ dân phải tự chịu trách nhiệm bỏ tiền mua vật tư, chịu chi phí nhân công lắp đặt, tự hoàn lấp lại mặt bằng…

Trong khi đó, một tổ trưởng TDP ở phường Mộ Lao lại giải thích: "Công ty nước chỉ nói rất đơn giản là thay vài cái cút, mấy mét ống… Nghĩ là vấn đề nhỏ nên chúng tôi ký thỏa thuận về việc người dân phải chịu chi phí khi thay đường ống nhánh mới. Nay chúng tôi nhận thấy chúng tôi làm ngược quy trình vì đây là vấn đề động chạm đến từng hộ dân, chưa bàn bạc với các hộ mà đã đồng ý với Công ty nước"… Trong khi đó, Tổ trưởng TDP 7 phường Phú La nói: Khi không đồng ý với việc người dân phải chịu chi phí, chúng tôi đã đề nghị nhưng Công ty nước không giải quyết. Như vậy, tổ trưởng TDP đồng ý hay không đồng ý thì họ vẫn áp đặt, buộc người dân phải chịu. Trong khi đó, hầu hết người dân mà phóng viên đã gặp và trao đổi ở phường Quang Trung, Mộ Lao, La Khê đều không được phổ biến đầy đủ các nội dung liên quan đến thay thế đường ống nước. Các hộ dân chỉ biết công nhân của Công ty nước đến thay thế đường ống và thu tiền, các hộ dân không được nhận hóa đơn.

Giải thích về việc tại sao đường ống nước sạch không có trong hạng mục của dự án cải tạo vỉa hè, đại diện UBND quận Hà Đông cho biết: Ngày 10-11-2014, Ban Quản lý dự án quận Hà Đông có văn bản gửi Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, đề nghị cho biết ý kiến về việc tiếp tục sử dụng hệ thống cấp nước sinh hoạt hiện đang được sử dụng sau khi đầu tư cải tạo vỉa hè, bảo đảm không đào phá vỉa hè sau khi dự án được đầu tư. Đáp lại, ngày 25-11-2014, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông trả lời: "Về hệ thống cấp nước sinh hoạt hiện trạng dọc hai bên tuyến quốc lộ 6 (đoạn Phùng Khoang - Ba La) được giữ nguyên theo hệ thống đang sử dụng hiện tại không cải tạo nâng cấp".

Vậy vì sao khi dự án cải tạo vỉa hè được triển khai thì đường ống nước sạch lại được thay thế? Phải chăng Công ty nước đang lợi dụng việc triển khai dự án để thực hiện phần việc của mình? Dư luận cho rằng, dự án triển khai dọc theo quốc lộ 6, qua địa bàn các phường: Mộ Lao, Văn Quán, Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung, La Khê, Phú La dài khoảng 6km, hàng trăm hộ dân cùng các cơ quan, tổ chức đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ, nhưng vì sao Công ty nước không có hóa đơn trả cho người dân? TDP không phải là chủ thể ký hợp đồng mua nước với Công ty nước, tại sao lại được Công ty nước đến đàm phán, thỏa thuận về việc các hộ dân phải tự trả tiền? Sự áp đặt này chính là lý do gây nhiều bức xúc không đáng có.

Thiện Mỹ