Cải tạo chung cư cũ đạt tỷ lệ thấp vì khó khăn tài chính, cơ chế bất cập

Bất động sản - Ngày đăng : 06:21, 16/12/2015

(HNM) - Chiều 15-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã giao ban báo chí về kết quả rà soát việc kiểm định chất lượng, cải tạo xây dựng các công trình chung cư cũ (CCC) trên địa bàn.

Nhiều khu tập thể cũ ở Hà Nội đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Phan Anh


Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có 1.516 CCC có quy mô 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980 và một số ít xây dựng từ trước năm 1954. Riêng tại 4 quận cũ có 935 CCC, số còn lại phân bổ tại 10 quận, huyện. Đến nay, cơ bản quỹ nhà CCC đã chuyển đổi từ hình thức sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân cho người thuê theo Nghị định 61/CP. Tại các CCC, mật độ xây dựng hầu hết đều tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng 1,5 lần; hộ dân sinh sống ở tầng 1 đa số sử dụng làm nơi kinh doanh…

Trước thực trạng trên, năm 2014, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng lập đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát bằng phương pháp chuyên gia phân loại chất lượng hiện trạng nhà CCC tại 940/1.516 CCC tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Đông Anh. Đây là cơ sở để Sở Xây dựng có kế hoạch tổ chức kiểm định trình UBND thành phố và được UBND thành phố chấp thuận, bố trí kinh phí kiểm định theo tiến độ.

Theo đó, năm 2015 thực hiện kiểm định 42 CCC là những chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn (>1%) hoặc đã được xây dựng từ lâu (1960) để xác định nhà nguy hiểm cần phải di dời, chống đỡ. Đến nay, Sở đã hoàn thành việc kiểm định 42 công trình CCC năm 2015 để xác định nhà nguy hiểm cấp độ D. Theo kế hoạch, năm 2016, sẽ kiểm định 62 công trình có dấu hiệu lún nghiêng, hư hỏng, xuống cấp để đưa vào kế hoạch cải tạo; năm 2017, kiểm định 75 công trình để có kế hoạch sửa chữa, cải tạo; còn 380 công trình sẽ thực hiện sửa chữa, thay thế để bảo đảm an toàn.

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, đến nay cơ bản các nhà nguy hiểm cấp độ D đã được xử lý. Ví dụ: Các hộ dân tái định cư như I 1, 2, 3 Thành Công, B4 - B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, D2 - C7 Giảng Võ, P3 Phương Liệt… Ngoài ra, với các CCC do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà thuộc Bộ Quốc phòng, Sở Xây dựng cũng có công văn gửi để theo dõi và đưa vào kế hoạch cải tạo chung. Đồng thời, Sở Xây dựng và đoàn kiểm tra liên ngành cũng kiểm tra tiến độ thực hiện cải tạo các dự án CCC…

Trả lời báo chí về nguyên nhân cải tạo, xây dựng lại CCC diễn ra quá chậm, đạt tỷ lệ thấp, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, sở dĩ tiến độ thực hiện chậm là do các khó khăn về tài chính. Theo các quy định hiện hành, việc sửa chữa CCC là người dân phải đóng góp để xây dựng lại nhà ở của chính mình, tuy nhiên phần nhiều vẫn cho rằng Nhà nước mới có trách nhiệm xây dựng, cải tạo lại. Bên cạnh đó, người dân ở từ tầng 2 trở lên rất đồng tình xây dựng lại CCC nhưng những hộ ở tầng 1 lại không muốn vì họ đã quen kinh doanh ở tầng 1, mà khi xây lại CCC người dân không được sử dụng nữa. Một nguyên nhân khiến tiến độ cải tạo lại CCC chậm là do người dân đòi đền bù cả phần diện tích đã cơi nới…

Nói về giải pháp đẩy nhanh tiến độ cải tạo CCC, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết, bên cạnh việc có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng, cải tạo CCC thì việc Chính phủ ban hành Nghị định 101 ngày 20-10-2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà CCC sẽ giúp tiến độ được thực hiện nhanh hơn. Trong đó, Nghị định này quy định, có thể quy hoạch lại các khu CCC, những CCC bị phá đi không nhất thiết phải xây lại tại đúng chỗ đó mà có thể quy hoạch toàn khu để phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội; đồng thời, cho phép thực hiện cưỡng chế nếu sau khi có quy hoạch, người dân và chủ đầu tư không thỏa thuận được.

Việt Nga