Tỷ giá USD/VND tăng cao: Có điều chỉnh tỷ giá?

Tài chính - Ngày đăng : 06:05, 16/12/2015

(HNM) - Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% (vào ngày 12-8), tỷ giá USD/VND gần như đi ngang, có tăng giảm nhưng chưa bao giờ lên sát trần.

Giá USD liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây. Ảnh: Trần Thanh


Tuy nhiên, trong ngày 14-12, tỷ giá USD đột nhiên tăng cao, các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh tỷ giá, thậm chí có ngân hàng thay đổi 12 lần trong ngày. Và đến ngày 15-12, tỷ giá USD vẫn ở mức 22.540 VND/USD (mua vào) - 22.547 VND/USD (bán ra). Liệu NHNN có điều chỉnh biên độ tỷ giá thêm một lần nữa trong năm 2015?

Tại NHNN, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được niêm yết ở mức 21.890 VND/USD. Còn tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá mua vào khác nhau, nhưng đều giống nhau ở giá bán ra. Cụ thể, Vietcombank 22.540 VND/USD (mua vào) - 22.547 VND/USD (bán ra); VietinBank 22.480 VND/USD (mua vào) - 22.547 VND/USD (bán ra).

Các ngân hàng thương mại khác đồng loạt niêm yết giá bán ở mức 22.547 VND/USD.
Theo giới chuyên gia tài chính, giá USD tăng theo tâm lý thị trường thế giới. Việc các nhà đầu tư đổ xô vào USD, thay vì các kênh khác như vàng, chứng khoán... vì kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD thời gian tới, do vậy giá USD "nóng" trên toàn cầu. Dự báo, FED sẽ chính thức đưa ra quyết định tăng lãi suất USD vào ngày 15-12, với mức 0,25-0,5%. Như vậy, đồng "bạc xanh" một lần nữa đắt giá so với các loại tiền khác trong rổ tiền tệ thế giới. Đây cũng là đồng tiền đo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là "đầu tàu" kinh tế Mỹ, nên USD tăng giá phản ánh sự hồi phục của kinh tế thế giới.

Khi FED tăng lãi suất, đồng "bạc xanh" tăng giá trị, thì những kênh đầu tư khác, chẳng hạn như vàng, chứng khoán… sẽ chịu tác động. Song, tác động lớn nhất mà USD có thể mang đến là sự thay đổi giá trị của các loại tiền tệ khác trong "rổ" tiền tệ thế giới. USD "khỏe" không kéo các loại tiền tệ khác tăng, mà trái lại làm cho một số loại tiền tệ khác "yếu" đi, trong đó có đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc.

Nếu CNY rớt giá, doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Lần điều chỉnh biên độ tỷ giá gần đây nhất của NHNN cũng là do đồng CNY giảm giá mạnh. Mặc dù NHNN chưa có ý kiến về việc tỷ giá USD được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lên mức kịch trần, song dư luận đang lo ngại về kịch bản NHNN "nới" biên độ tỷ giá thêm một lần nữa.

Khách hàng gửi ngoại tệ tại điểm giao dịch của Ngân hàng Ngoại thương. Ảnh: Phương Thanh


Bình luận về việc tỷ giá USD trên thị trường tăng sát trần và khả năng điều chỉnh biên độ tỷ giá USD của NHNN, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, dự báo FED tăng lãi suất có cả năm nay nên xét yếu tố thị trường không có vấn đề gì lớn. Khả năng NHNN điều chỉnh biên độ thời điểm này khó xảy ra bởi còn ít ngày nữa là hết năm 2015 và quan trọng hơn thị trường không có nhu cầu cấp thiết.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên duy trì đồng tiền yếu, tức là tiếp tục nới biên độ tỷ giá, để dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng lên. Lo ngại nợ công tăng cao khi tiền đồng phá giá là cái nhìn cơ học, bởi vấn đề ở đây là giá trị làm ra để trả nợ chứ không phải là con số thống kê.

Trên thị trường tự do, giá USD đã leo thang từ 22.670 VND/USD lên 22.800 VND/USD (bán ra). Như vậy, USD tăng giá đã khiến thị trường tự do rúng động. Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá từ ngày 12-8, đến nay, thị trường khá bình lặng, thay vì tích trữ USD, nhiều người đã xoay sang gửi tiết kiệm hoặc đầu tư bất động sản, chứng khoán.

Tuy nhiên, trước tình trạng USD niêm yết ở mức kịch trần theo quy định của NHNN đã mang đến tâm lý găm giữ USD vì lo ngại đồng tiền này tiếp tục tăng giá. Việc nhiều người mua USD đã khiến USD thêm "nóng", nên khả năng tỷ giá không dừng lại ở 22.800 VND/USD. Tuy nhiên, những bấp bênh của USD hiện nay cũng cho thấy gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn. Mặc dù giá USD có thể biến động, nhưng không thể "lướt sóng" để thu lời, vì đây là kênh đầu tư khó dự báo. Nhà đầu tư cũng có thể tìm đến kênh bất động sản, bởi giá nhà đất đang ở mức hợp lý.

Trái chiều với USD, giá vàng trong nước giảm nhẹ theo chiều của giá vàng thế giới. Trên thị trường Hà Nội, giá vàng SJC giảm khoảng 100.000 đồng/lượng so với chiều 14-12, giao dịch phổ biến ở mức 32,81 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,08 triệu đồng/lượng (bán ra). Trên thị trường thế giới, vàng cũng mất khoảng 10 USD/ounce. Như vậy, biến động của giá vàng luôn đi ngược lại với đồng USD, khi đồng tiền này hồi phục, giá vàng không còn duy trì là kênh đầu tư số 1. 

* Sau khi mất điểm trong phiên 14-12, ngày 15-12, thị trường chứng khoán tăng trở lại. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index có thêm 0,15 điểm, tương đương 0,19%, đóng cửa ở 78,9 điểm. Còn trên sàn TP Hồ Chí Minh, VN-Index tăng 5,78 điểm (1,03%), đạt 568 điểm.

Đức Anh