Hòa Bình: Hấp dẫn với nhiều tour mới, lạ!
Du lịch - Ngày đăng : 18:35, 15/12/2015
Ngày cuối cùng trong khuôn khổ chuyến hành trình khảo sát tuyến điểm du lịch Tây Bắc (14-12), phóng viên báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình kiêm Giám đốc khách sạn Hòa Bình để làm rõ hơn hướng đi mới này.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng |
- Bà có thể giới thiệu kỹ hơn về những tuyến tour mới, độc, lạ mà du lịch Hòa Bình đang xây dựng?
- Trước tiên, tôi muốn giới thiệu tuyến tour đường thủy mà Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình đang xây dựng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi mở dịch vụ du lịch bằng đường thủy ở Hòa Bình. Hiện Công ty chúng tôi đã cho đóng 2 du thuyền cao cấp, một 180 chỗ, một 120 chỗ, phục vụ khách đi du lịch trên lòng hồ, mở hẳn cung đường du lịch mới cho khách. Tour này sẽ rất thú vị, bởi khách có thể ghé thăm các bản làng ven lòng hồ, thăm bản, đền, động Bà Chúa Thác Bờ. Dịch vụ trên du thuyền giống du thuyền nhà hàng ở Hạ Long, Ngoài ra, chúng tôi có cả dịch vụ chèo thuyền kayak, bè mảng... Công ty cũng đã xây dựng dự án đầu tư đảo nổi trên lòng hồ nhằm tạo thêm điểm dừng chân, phục vụ giải trí cho du khách khi đến với Hòa Bình.
- Một tuyến tour cũng đang thu hút nhiều sự chú ý, là tour du lịch dưỡng sinh, thưa bà?
- Trong hàng trăm bài thuốc Đông Y nổi tiếng của Việt Nam, Hòa Bình có hàng chục bài thuốc quý được lưu truyền trong dân gian. Hòa Bình có nguồn nguyên liệu, dược liệu cực kỳ phong phú và rộng lớn, có nấm ngọc cẩu, xạ đen và nhiều vị thuốc quý khác. Hòa Bình cũng có những thầy lang, bà mế trị được bệnh viêm cầu thận, vô sinh, đau khớp, đau lưng mà không cần thuốc tây. Chính vì vậy, tôi nghĩ việc phát triển du lịch gắn với dưỡng sinh chữa bệnh hay phương pháp y học cổ truyền dân gian chính là sự liên kết bền vững cho du lịch Hòa Bình. Ngay trong tháng 12 này, Công ty chúng tôi đã đón tiếp 2 đoàn thầy thuốc y học cổ truyền được xem là hàng đầu cả nước trong chương trình khảo sát các vùng dược liệu tỉnh Tây Bắc của Bộ Y tế tổ chức.
Hồ Hòa Bình |
- Quả là một cơ hội quý...
- Quý lắm, bởi thực ra, ban đầu, đoàn này chỉ định khảo sát ở Điện Biên và Sơn La, không có Hòa Bình. Chúng tôi may mắn mời được đoàn nán lại Hòa Bình, kết quả là tất cả các thầy thuốc đều cực kỳ thú vị và rất bất ngờ về "kho tàng" nguyên liệu, dược liệu nơi đây. Sắp tới sẽ có 2 đợt khảo sát nữa về tuyến du lịch dưỡng sinh này, trong đó đợt 1 dự kiến vào tháng 2-2016, gồm 150 thầy thuốc trẻ của TP Hồ Chí Minh sẽ đến Hòa Bình huấn luyện trị liệu một cách lành mạnh theo phương pháp y học cổ truyền, chứ không đơn thuần spa như hiện nay. Đến Hòa Bình, các thầy thuốc vừa được khám phá vùng dược liệu, vừa được gặp những thầy lang, bà mế - những con người rất hay trong dân gian - để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển y học dân tộc. Chúng tôi cũng đang tích cực xúc tiến để sắp tới, Công ty có thể ký kết với Viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh để Hòa Bình có thể là điểm đến điều trị y học dưỡng sinh - một hướng đi mới mẻ góp phần đẩy mạnh giá trị quý giá về y học cổ truyền của Hòa Bình.
- Có một tour nghe rất lãng mạn nhưng cũng mang ý nghĩa giáo dục lịch sử rất lớn, mang tên "Theo dấu chân Tây Tiến". Ý tưởng này đã được triển khai đến đâu, thưa bà?
- Chúng tôi may mắn được đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đặc cách và giao nhiệm vụ này - đó là phát triển sản phẩm du lịch theo dấu chân Tây Tiến, dựa theo bài thơ nổi tiếng cùng tên của nhà thơ Quang Dũng. Những địa danh đoàn quân Tây tiến đã đinhư Mường Hịch, Mai Châu... sẽ hiện lên dung dị, hấp dẫn và sống động. Mở tour này vào dịp 22-12 này thì gấp quá, nhưng chúng tôi hy vọng dịp 30-4 năm sau sẽ mở được cung đường này, tạo ra sản phẩm du lịch gắn liền với giáo dục lịch sử nhiều ý nghĩa, đặc biệt là với giới trẻ.
Biểu diễn kèn lá ở Hòa Bình. |
- Ngoài các tour này, du lịch Hòa Bình còn những điểm nhấn hấp dẫn nào?
- Đến Hòa Bình, các bạn có thể tham gia nhiều chương trình trekking hấp dẫn với cung đường qua những cánh rừng nguyên sinh ven lòng hồ, ghé thăm những điểm nuôi cá tầm và cá hồi đạt hiệu quả cao, những rừng chè tuyết san, bản người Dao nguyên sơ. Chúng tôi cũng sẽ mở thêm tour mang tính chất giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên như "Hè phiêu lưu ký", cho lứa trẻ trải nghiệm, sống cùng đồng bào Mường, học làm cơm lam, học trồng cây, rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Tôi tin rằng khi đường cao tốc nối liền Hà Nội - Hòa Bình hoàn thành, chỉ mất 45 phút là du khách đi từ Hà Nội sẽ có mặt tại Hòa Bình, các sản phẩm mới mẻ sẽ thu hút nhiều du khách đến với Hòa Bình hơn.
- Cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng nguyên là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, có chuyên môn sâu về nghiên cứu và quản lý văn hóa. Theo chồng về quê hương mới, bà quyết định dồn tâm sức phát triển du lịch vùng này. Bà chia sẻ: "Tôi đã dành thời gian 2 năm để nghiên cứu văn hóa Hòa Bình và chắt lọc tinh túy làm lõi giá trị đưa vào sản phẩm dịch vụ, cả khách sạn, ẩm thực, phong cách phục vụ. Còn lại, kỹ năng, nghiệp vụ làm du lịch thì có anh em chuyên môn giúp, quan trọng là phải giữ lõi giá trị văn hóa để phát triển bền vững. Điều quan trọng không chỉ là lợi nhuận, mà phải làm sao để giới thiệu được bản sắc văn hóa của Hòa Bình, cảnh đẹp của thiên nhiên hòa bình với du khách". Hiện tại, hệ thống khách sạn, du thuyền Hòa Bình của Công ty đã được đầu tư mới toàn bộ với tổng giá trị 84 tỷ đồng, trong đó, riêng khách sạn Hòa Bình đã được đưa vào khai thác hơn 3 tháng với nhiều tour "Farm Trip" cho khách lữ hành của Mỹ, Canada, Thái Lan, Đức và một số nước Châu Âu khác. Hiện tại, khách sạn đã full phòng đến hết tháng 3-2016. |