Những thành tựu y học đáng nể trong năm 2015

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:40, 14/12/2015

(HNMO) – Năm 2015 sắp kết thúc với nhiều tiến bộ vượt bậc về y học, mở ra triển vọng mới trong việc điều trị bệnh hiểm nghèo và mang lại cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới


Hãng dược phẩm Pháp Sanofi đã chi hơn 1,6 tỷ USD trong vòng hơn 20 năm để phát triển và bào chế thành công loại vắc xin có tên Dengvaxia – được cho là có khả năng ngăn chặn sự phát triển của 4 loại virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Đây là tin vui đối với y học toàn thế giới bởi dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát trên toàn cầu, ngay cả ở các nước phát triển, cướp đi sinh mạng của hơn 22.000 người mỗi năm.

Mexico là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn việc sử dụng loại vắc xin này, với các đối tượng từ 9 đến 49 tuổi tập trung chủ yếu ở khu vực có dịch.

Phương pháp điều trị các bệnh do ký sinh trùng

Ba nhà khoa học đạt giải Nobel Y học năm 2015. (Ảnh: The guardian)


Hội đồng giải thưởng Nobel tại Stockholm, Thụy Điển đã trao giải Nobel Y học năm 2015 cho 3 nhà khoa học bao gồm ông William Campbell (gốc Ailen), ông Satoshi Omura (Nhật Bản) và bà Youyou Tu (Trung Quốc) bởi những công trình nghiên cứu trong việc điều trị bệnh do ký sinh trùng gây ra.

Theo đó, ông William và ông Satoshi được vinh danh vì phát hiện ra loại thuốc mới chống ký sinh trùng gây bệnh giun chỉ và bệnh phù chân voi. Trong khi đó, bà Youyou cũng nhận giải Nobel nhờ loại thuốc điều trị sốt rét có tên Artemisinin.

Vắc xin vạn năng


Các nhóm nghiên cứu của Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công loại vắc xin có thể ngăn ngừa cả những chủng cúm biến đổi trên động vật như H5N1, H1N1...

Việc tìm ra loại vắc xin vạn năng này là một tiến bộ vượt bậc của y học, giúp đối phó với các chủng virus mới và là ưu tiên hàng đầu của y học lâm sàng hiện nay. Bởi hiện tại, các loại vắc xin cúm thường phải mất khoảng 6 tháng mới phát huy được tác dụng và hiệu quả miễn dịch lại không duy trì được lâu.

Ghép hộp sọ

Ngày 22/5/2015, ông James Boysen – một kỹ sư phần mềm 55 tuổi – trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiến hành ghép hộp sọ, cùng lúc với thận và tụy.

Ca phẫu thuật kéo dài 15 giờ đồng hồ với sự tham gia của đội ngũ 50 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

James Boysen sau ca phẫu thuật ghép hộp sọ. (Ảnh: HuffPost)


Các y bác sĩ đã phải tiến hành cấy ghép nhiều bộ phận cùng lúc để tránh sự phản ứng và đào thải của các mô trong cơ thể.

Đây là ca phẫu thuật cực kỳ phức tạp, được thực hiện dưới dạng vi phẫu thuật với các thao tác hết sức công phu và tỉ mỉ.

Thử nghiệm thành công vắc xin Ebola

Đầu năm 2014, dịch bệnh Ebola bùng phát tại Tây Phi và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, gây ra lo ngại về một đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Đã có hơn 11.000 người thiệt mạng và hơn 27.000 người khác bị nhiễm bệnh.

Cuối tháng 7/2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố những kết quả đầu tiên của đợt thử nghiệm vắc xin VSV-EBOV. Theo đó, loại vắc xin này bước đầu có khả năng ngăn ngừa nguy cơ phơi nhiễm virus Ebola.

Các chuyên gia bày tỏ vui mừng và nhận định đây là một bước đột phá trong quá trình phòng ngừa và điều trị Ebola, mở ra triển vọng sớm kiểm soát và dập tắt dịch bệnh này.

Chữa ung thư bạch cầu nhờ truyền tế bào biến đổi gen


Tháng 11/2015, bệnh nhi người Anh Layla Richards đã hồi phục một cách thần kỳ sau khi tiếp nhận phương pháp điều trị ung thư bạch cầu bằng cách truyền các tế bào biến đổi gen vào cơ thể.

(Ảnh: PA)


Trước đó, bé Lyala đã được điều trị bằng nhiều phương pháp khác như hóa trị, cấy ghép tủy xương, song kết quả không được như mong đợi. Do đó, các bác sĩ đã đưa ra một quyết định hết sức mạo hiểm là tiến hành cấy ghép gen – một phương pháp vốn chỉ được thử nghiệm ở chuột.

Thành công của ca điều trị này đã mang lại tia hi vọng cho các bệnh nhân ung thư bạch cầu, cũng như hướng điều trị mới cho các loại bệnh ung thư khác.

Thuốc giảm đau bằng ánh sáng


Các loại thuốc giảm đau ngày càng được sử dụng và bày bán rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, nhược điểm của các loại thuốc này là gây ra nhiều tác dụng phụ như gây nghiện, dễ bị lạm dụng và sử dụng quá liều dẫn tới nhờn thuốc.

Tháng 4/2015, các chuyên gia thuộc đại học Y khoa Washington đã tìm ra phương pháp mới thay thế các loại thuốc giảm đau thông thường. Đó là sử dụng protein cảm thụ ánh sáng cùng với những thụ thể opioid để tiêm vào cơ thể, sau đó chiếu ánh sáng với cường độ khác nhau để làm giảm cơn đau.

Với phát hiện này, các nhà khoa học hi vọng sẽ cho ra đời một phương pháp giảm đau hiệu quả trong tương lai gần mà không cần sử dụng các loại thuộc với nhiều tác dụng phụ.

Mai Chi