Những phát hiện khoa học nổi bật năm 2015

Công nghệ - Ngày đăng : 10:24, 14/12/2015

Khám phá ra họ hàng mới của loài người hay nước lỏng tồn tại dưới bề mặt sao Hỏa là những phát hiện khoa học nổi bật năm nay.


Hồi tháng 9, các nhà khoa học công bố phát hiện ra tổ tiên của một chủng người chưa từng được biết đến, có tên gọi Homo Nalendi được tìm thấy ở một hang động tại châu Phi.

Khoảng 15 hóa thạch Homo Nalendi được tìm thấy, gồm xương cốt trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trưởng thành và người già cho thấy, khối lượng cơ thể và vóc dáng đặc trưng nhỏ hơn con người hiện đại một chút.

Đây là bộ sưu tập xương cốt lớn nhất về một chủng người mới được phát hiện ở châu Phi, giúp chúng ta hiểu hơn về sự phát triển của các nhánh người trong lịch sử.


Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR là bước đột phá trong kỹ thuật chỉnh sửa gene năm nay. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã trình bày công trình chỉnh sửa ADN trong phôi người - một hành động gây tranh cãi trong giới khoa học.

Các nhà nghiên cứu ở đại học Havard cũng nuôi cấy được gene của một loài voi ma mút lông xoăn dài đã tuyệt chủng từ lâu vào tế bào sống của một con voi hiện đại. Ngoài ra, các nhà khoa học khác cũng dùng CRISPR chỉnh sửa nội tạng lợn - nuôi cấy làm nguồn ghép tạng cho người, hoặc chỉnh sửa gene của muỗi để diệt trừ bệnh sốt rét.



Hồi tháng 10, Quỹ Quốc tế Bảo tồn Động vật Hoang dã (WWF) công bố báo cáo về đa dạng sinh học ở khu vực Himalaya cho biết, có tổng cộng 211 loài mới được phát hiện ở đây trong thời gian từ 2009-2014. Trong đó có 133 loài thực vật, 39 loài không xương, 26 loài cá, 10 loài lưỡng cư, một loài bò sát, một loài chim và một loài động vật có vú.


Hồi tháng 9, các nhà khoa học Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra bằng chứng về sự tồn tại của nước lỏng trên sao Hỏa. Ảnh chụp cho thấy những vệt muối khô đọng lại ở các dòng chảy thay đổi theo mùa trên Hỏa tinh. Ngoài ra, họ còn phát hiện sự có mặt của phân tử ngậm nước perchlorate trên hành tinh Đỏ. Phát hiện này càng nâng cao tiềm năng có sinh vật sống hiện diện trên sao Hỏa.


Các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển đã phát triển một phương pháp xét nghiệm máu, phát hiện được ung thư ở giai đoạn đầu bằng cách chỉ xét nghiệm một giọt máu. Phương pháp này chính xác tới 96%, phân loại chính xác các bệnh ung thư 71%, giúp bác sĩ chẩn bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp trong thời gian ngắn cho nhiều loại bệnh.


Đầu năm nay, các nhà khoa học phát hiện một loại kháng sinh mới - lần đầu tiên trong gần 30 năm. Phát hiện này có thể mở đường cho hướng nghiên cứu các hệ kháng sinh mới, chống lại hiện tượng kháng thuốc hiện nay.


Hồi tháng 2, một nhóm các nhà di truyền người Mỹ đã xây dựng hoàn chỉnh bản đồ cơ chế di truyền biểu sinh (epigenome) của con người. Đây được coi như đỉnh cao sau gần một thập kỷ nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã vẽ được biểu đồ của hơn 100 tế bào người, giúp các nhà nghiên cứu hiểu được mối đa liên kết giữa ADN và bệnh tật.


NASA phát hiện ra thiên hà sáng nhất trong vũ trụ từng được biết đến nhờ kính viễn vọng không gian quét hồng ngoại WISE. Thiên hà này có độ sáng gấp 300 nghìn tỷ lần Mặt Trời. Rất có thể, một hố đen khổng lồ ở giữa đĩa thiên hà là yếu tố khiến nó phát ra ánh sáng mạnh đến vậy.


Tập đoàn công nghệ Ocumentic của Canada đã chi ba triệu USD trong 8 năm để nghiên cứu và phát triển một loại thấu kính cấy vào mắt người. Trong công bố hồi tháng 5, Ocumentic cho biết thấu kính này giúp tăng cường thị lực gấp ba lần tiêu chuẩn phổ quát đối với thị lực bình thường (20/20).

Thấu kính được cấy vào mắt trong khoảng 8 phút, không gây đau đớn, tương tự phẫu thuật đục thủy tinh thể. Với thấu kính này, con người có thể nhìn rõ kim đồng hồ ở vị trí cách xa 9 mét. Công nghệ này dự kiến sẽ tung ra thị trường năm 2017, và chỉ dành cho người trên 25 tuổi.


Hồi tháng ba, các nhà khoa học ở đại học Y Stanford công bố phương pháp mới biến tế bào bạch cầu gây ung thư thành tế bào miễn dịch lành tính, được gọi là đại thực bào, sau đó phân loại và tiêu diệt các tế bào ung thư và tác nhân gây bệnh.

Theo VnExpress/UPI