Những tín hiệu lạc quan
Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 14/12/2015
Giới chuyên gia đánh giá, đây là một tin vui ngay khi sắp kết thúc năm cũng như đưa năm 2015 trở thành một năm vượt khó thành công của nền kinh tế. Đây là thực tiễn và hành trang quan trọng ngay trước "ngưỡng cửa" hội nhập sâu rộng và đầy đủ của Việt Nam vào đời sống kinh tế quốc tế. Đặc biệt, sự tăng trưởng vào loại cao hàng đầu thế giới lại diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi, nhất là do khách quan đưa lại. Giá dầu thô giảm sâu và giảm liên tục trên thị trường thế giới đã gây ảnh hưởng lớn đến ngân sách quốc gia, bởi đầu năm cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch và dự toán dựa trên định mức giá dầu chủ yếu vào khoảng 60-80 USD/thùng trong khi thực tế thấp hơn rất nhiều.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có những phản ứng, điều hành rất nhanh nhạy, kịp thời. Các địa phương được chỉ đạo tăng cường theo dõi, hỗ trợ DN kết hợp đôn đốc việc thu thuế, truy thu thuế tồn đọng. Kết quả là, nhiều địa phương đã vượt thu, dẫn đến thực tế ngân sách địa phương sáng sủa hơn dự báo từ đầu năm. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô giảm cũng đem lại những hiệu ứng tích cực theo chiều ngược lại, tức là có lợi cho sản xuất vì giá các sản phẩm xăng dầu cũng giảm theo. Đó là điều kiện rất thuận lợi để ổn định sản xuất đối với nhiều đơn vị, cho phép giảm giá thành thành phẩm và cước vận tải, bảo đảm thông suốt giữa cung-cầu trên diện rộng.
Đánh giá về thành tựu kinh tế năm 2015 còn phải kể đến sức tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục của khu vực công nghiệp, trong đó tiêu biểu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% trong 11 tháng qua (cao hơn hẳn mức tăng 7,5% của cùng kỳ năm ngoái); riêng ngành công nghiệp chế biến tăng hơn 10%. Kết quả tích cực của sản xuất công nghiệp là một trong những động lực quan trọng, trực tiếp thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế; đồng thời thể hiện định hướng chủ động tăng tốc thực hiện CNH-HĐH của Việt Nam. Ngay sau khi Luật Đầu tư và Luật DN có hiệu lực, số lượng DN thành lập đăng ký tăng đột biến, DN giải thể, ngừng hoạt động quay trở lại tương đối lớn… Trong 11 tháng qua, đã có gần 87 nghìn DN thành lập mới, với tổng vốn 538 nghìn tỷ đồng; tăng 28% về lượng và 37,7% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Bước vào năm 2016, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý, từng bước thiết lập các yếu tố kinh tế thị trường đầy đủ và cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư, hỗ trợ DN phát triển. Các cơ quan hữu quan cần xác định mục tiêu tăng trưởng nhanh trên cơ sở nâng cao năng suất và chất lượng lao động (vốn là điểm yếu cần khắc phục), cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia khi Việt Nam, đồng thời tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) như TPP, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN.