Quyết liệt, tránh dàn trải
Xã hội - Ngày đăng : 06:46, 14/12/2015
- Ông có thể cho biết ý nghĩa cơ bản của việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở?
- Việc thanh tra, kiểm tra về ATTP là vấn đề khó, phức tạp, việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, xã, phường tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15-11-2015) được kỳ vọng sẽ đem lại đột phá mới trong công tác này. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch nói trên thì cần triển khai tập trung, quyết liệt, không làm dàn trải.
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại khu vực chợ Thành Công. Ảnh: Văn Chiến |
- Ông nhận xét thế nào về "bức tranh" ATTP của Thủ đô trong năm nay?
- Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP một cách nghiêm túc, đồng bộ, có sự phân cấp từ thành phố tới quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ATTP cũng đã được đẩy mạnh. Báo cáo thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm ATTP 11 tháng của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, thành phố đã xử lý hành chính 10.041 cơ sở (chiếm 8% số cơ sở được kiểm tra), phạt tiền 3.705 cơ sở với tổng số tiền hơn 20,1 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP... Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn còn chưa kiên quyết, chủ yếu là nhắc nhở. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn ra.
- Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra ATTP là vấn đề thường xuyên nhưng tổ chức thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận và phường lại là vấn đề mới. Việc thí điểm triển khai ban đầu liệu có tránh được sự lúng túng không?
- ATTP luôn là vấn đề "nóng", được nhân dân hết sức quan tâm. Việc triển khai thí điểm lần này phải được chuẩn bị thật chu đáo để các lực lượng chức năng có đủ công cụ tiến hành thanh tra - kiểm tra, bảo đảm hiệu quả. Việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ được triển khai tại 5 quận, huyện với 10 xã, phường, thị trấn. Cụ thể: Ở quận Ba Đình là phường Thành Công, Ngọc Khánh; quận Đống Đa là phường Láng Hạ, Trung Liệt; quận Nam Từ Liêm là phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2; huyện Đông Anh là xã Kim Chung, Uy Nỗ; huyện Thường Tín là thị trấn Thường Tín, xã Tô Hiệu. UBND các quận, huyện, xã, phường quyết định giao nhiệm vụ cho công chức, thanh tra, viên chức đủ điều kiện theo quy định thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP, đồng thời tổ chức đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, thanh tra ATTP cho công chức, thanh tra viên, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP. Hà Nội đã triệu tập 110 thành viên để giao nhiệm vụ thanh tra ATTP cấp quận, huyện, xã, phường. Lực lượng này đã được Bộ Y tế tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và cấp chứng chỉ.
- Trên địa bàn Hà Nội ngày càng có nhiều cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch nhưng người dân vẫn chưa thật sự yên tâm về chất lượng, độ an toàn của thực phẩm. Lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở, ngành chức năng có thực hiện kiểm tra thường xuyên, liên tục đối với những cửa hàng này?
- Lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP phải thanh tra, kiểm tra các cửa hàng thực phẩm này để làm rõ thế nào là sạch, ít nhất thì thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, có hợp đồng rõ ràng, hoặc phải có "dấu hiệu" để người dân có thể nhận biết bằng mắt, qua test nhanh. Vấn đề là việc test nhanh không thể nào phát hiện ra hết các loại hóa chất có trong thực phẩm, còn nếu đưa vào phòng thí nghiệm thì rất lâu mới có kết quả. Do đó, điều quan trọng là phải quản lý được thực phẩm theo chuỗi, nguồn gốc, làm sao đó để biết được người chăn nuôi, nuôi trồng có cho hay không cho hóa chất nào vào, điều này phụ thuộc vào ngành Nông nghiệp.
- Lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành phải thực hiện 3 lần kiểm tra/tuần. Việc trao quyền và tăng cường sự có mặt của lực lượng thanh tra này có dẫn tới "lạm quyền", làm khó doanh nghiệp không?
- Đây là vấn đề được bàn đến rất nhiều khi bắt đầu triển khai thực hiện kế hoạch thí điểm này. Nhiều ý kiến lo ngại, khi giao quyền cho lực lượng này, họ sẽ lạm quyền. Chính vì vậy, trước khi triển khai, chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ, xây dựng quy trình chặt chẽ, giao quyền, giao nhiệm vụ và kế hoạch thanh tra. Khi tiến hành kiểm tra, lực lượng thanh tra này phải có biên bản, báo cáo kết quả kiểm tra cụ thể. Khi đi thanh tra, kể cả thanh tra độc lập (một người) cũng phải có quyết định của chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường. Không phải khoác áo và có thẻ thanh tra là xử phạt vô tội vạ. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp, cá nhân không đồng ý với kết quả thanh tra thì sẽ tiến hành thanh tra lại. Theo Quyết định 38, thanh tra ATTP cấp xã, phường có thể phạt tại chỗ tới 500 nghìn đồng; cấp xã, phường có quyền phạt tối đa 5 triệu đồng, cấp quận đến 20 triệu đồng và địa phương được giữ lại 100% số tiền xử phạt. Số tiền này được chi cho nhiều nội dung, trong đó có việc mua test kiểm tra nhanh, tổ chức truyền thông về ATTP, mua mẫu xét nghiệm…
- Ngoài thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, xã, phường thì hoạt động kiểm tra ATTP của các ngành liên quan trong thời điểm cuối năm, nhất là dịp tết Dương lịch và Nguyên đán Bính Thân 2016 sắp tới sẽ được tổ chức như thế nào?
- Bên cạnh hoạt động thí điểm thanh tra chuyên ngành, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra ATTP vẫn thực hiện bình thường tại tất cả các quận, huyện, xã, phường còn lại. Đặc biệt, trong thời điểm cuối năm, khi tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang đến gần, việc kiểm tra bảo đảm ATTP sẽ được đẩy mạnh. Sở Y tế đã trình UBND thành phố kế hoạch kiểm tra ATTP cuối năm 2015, dự kiến sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP.
- Xin cảm ơn ông!