Nhiều khó khăn trong cấp “sổ đỏ” đất nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 14/12/2015

(HNM) - Dù chưa được thành phố bố trí kinh phí hỗ trợ đo đạc và cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa nhưng nhờ có sự vào cuộc quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Phú Xuyên đã tháo được nút thắt đầu tiên để cấp GCN, tạo thuận lợi cho nông dân yên tâm đầu tư trên thửa ruộng của mình.


Sau dồn điền đổi thửa, huyện Phú Xuyên xác định công tác cấp GCN là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc và đã hoàn thành lập bản đồ địa chính đất nông nghiệp. Sau đó, toàn bộ bản đồ dải thửa, hồ sơ thửa đất, diện tích đất nông nghiệp của từng hộ đều được công khai tại trụ sở thôn để nhân dân rà soát, kiểm tra. Để chuẩn bị cho công tác cấp GCN trên toàn địa bàn, huyện đã chọn xã Văn Hoàng và xã Tri Trung làm điểm cấp GCN (xã Văn Hoàng cấp GCN lần đầu, xã Tri Trung cấp đổi, cấp lại). Huyện đã thành lập tổ công tác, thành phần gồm các ngành Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi cục Thuế, đại diện của hai xã để chỉ đạo thực hiện.

Sau dồn điền đổi thửa, công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp được các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Thái Hiền


Quá trình triển khai đăng ký cấp GCN tại hai xã trên đã bộc lộ nhiều vướng mắc liên quan đến việc thay đổi chủ sử dụng đất, vị trí sử dụng đất..., gây khó khăn cho việc cấp đổi. Ví dụ, ở Thôn Hội, xã Văn Hoàng có 285 hộ làm hồ sơ thì có tới hơn 500 văn bản phân chia thừa kế... Do GCN trước đây chỉ ghi tổng diện tích, không thể hiện hình thể nên việc xác định vị trí, diện tích thực hiện chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, cấp đổi là hết sức khó khăn. Kinh phí đo đạc, cấp GCN lại chưa được thành phố bố trí thanh toán nên nhiều đơn vị tư vấn không bàn giao tài liệu, hồ sơ. Chất lượng hồ sơ địa chính quản lý đất nông nghiệp qua các thời kỳ không được các xã chú trọng quản lý, theo dõi đúng quy định. Vì giá trị thấp nên ý thức của người dân trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, cũng như trách nhiệm trong kê khai đăng ký quyền sử dụng không cao...

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN, huyện đã chỉ đạo các xã sắp xếp kinh phí, ứng vốn thanh toán để đơn vị tư vấn bàn giao bản đồ địa chính; thành lập tổ công tác hướng dẫn trực tiếp, công việc cụ thể cho cán bộ địa chính các xã và người dân để hoàn thiện hồ sơ cấp GCN. Tổ công tác xuống các thôn, cùng UBND xã hướng dẫn người dân kê khai tại trụ sở các thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; chỉ đạo UBND xã cấp, sao lục các hồ sơ có liên quan cho người dân, không được thu các khoản phí khác khi người dân thực hiện hoàn thiện hồ sơ cấp GCN. Bên cạnh đó, huyện trực tiếp chỉ đạo các ngành Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi cục Thuế, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ "một cửa" thực hiện chính sách liên thông cùng giải quyết, cùng thẩm định từng hồ sơ cụ thể, không thực hiện chuyển tiếp để giảm thời gian thực hiện, hồ sơ không phải sửa chữa nhiều lần...

Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên nên sau thời gian ngắn, tại xã Văn Hoàng đã cấp được 102 GCN; tổ chức kê khai đăng ký quyền sử dụng đất nông nghiệp được 1.400 hộ. Tại xã Tri Trung đã tiến hành kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất xong cho 2 thôn, hoàn thiện 200 hồ sơ xin cấp đổi GCN. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, tiến độ cấp GCN của huyện sẽ được đẩy nhanh hơn nếu thành phố bố trí sớm kinh phí hỗ trợ, chi trả cho đơn vị tư vấn trong công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, kê khai cấp GCN; cho phép lập thủ tục cấp đổi, cấp lại GCN trên cơ sở tổng diện tích của từng hộ, không phân định, chia nhỏ từng phần khi làm thủ tục chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho và chuyển đổi; có chính sách miễn thuế chuyển nhượng, lệ phí trước bạ và các khoản lệ phí khác trong quá trình chuyển nhượng đất nông nghiệp... Đây là thực tế tại cơ sở rất cần được thành phố sớm quan tâm, giải quyết.

Kim Nhuệ