Ngân hàng "nội" trước thách thức cạnh tranh từ ngân hàng "ngoại": Người dân có lợi!

Tài chính - Ngày đăng : 06:34, 14/12/2015

(HNM) - Khi các Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương... chính thức có hiệu lực, cũng như các lĩnh vực kinh tế khác, ngân hàng



Các nhà băng chật vật hơn khi miếng bánh thị phần bị thu hẹp nhưng người dân trong nước lại có lợi khi được tiếp cận với những dịch vụ ngân hàng hiện đại hơn, có thêm nhiều lựa chọn khi sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng…

Đa dạng hóa dịch vụ cho vay sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của các ngân hàng “nội”.


"Nới" dần quy định để hội nhập

Theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)… để có thể tiến sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ phải "mở" dần các quy định, trong đó có các quy định trong lĩnh vực tài chính. Để mở một chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam, ngân hàng mẹ phải có tổng vốn tài sản hơn 20 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm xin mở chi nhánh, thành lập ngân hàng liên doanh hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 100 tỷ đồng… Thời gian hoạt động được nâng lên tối đa không quá 99 năm (trước là 20 năm). Đối với thị trường chứng khoán, nhằm "trải thảm" đón các nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa từ 30% lên 49%. Đến nay, hàng chục mã cổ phiếu mang "họ" ngân hàng đã bước lên sàn, "room" được mở cũng đồng nghĩa với việc giới đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% cổ phiếu niêm yết của các mã ngân hàng.

Không dừng lại ở đó, để có thể tham gia sâu vào thị trường tài chính toàn cầu, cũng như phù hợp với các quy định của các tổ chức quốc tế, cũng như các hiệp định, Việt Nam sẽ còn phải "nới" nhiều tiêu chuẩn. Chẳng hạn như theo cam kết về tự do hóa dịch vụ trong AEC, đến hết năm 2015, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ và nhà đầu tư trong khối có thể tham gia tới mức 70% vốn tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của từng nước thành viên. Còn trong TPP, các nước phải cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh, nếu các công ty trong nước tại thị trường được phép cung cấp dịch vụ đó.

Ngân hàng "ngoại" lấn sân?

Không cần phải chờ đến khi các quy định về hoạt động của khối ngân hàng "ngoại" được mở hoàn toàn, những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng "đổ bộ" vào Việt Nam. Chẳng hạn như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận về nguyên tắc việc Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia được nhận toàn bộ phần vốn góp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Ngân hàng Liên doanh VID Public và tiến hành các thủ tục để chuyển đổi ngân hàng này thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam của PBB. Tiền thân là Ngân hàng Liên doanh VID Public, với tỷ lệ góp vốn 50:50 giữa BIDV với PBB, PBB có thể trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, sau HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam và Hong Leong Bank…

Trước đó, hàng loạt ngân hàng như Kasikorn Thái của Thái Lan mở văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sau khi có mạng lưới dịch vụ nhờ hợp tác với VietinBank và Agribank. Những tên tuổi lớn trên thế giới cũng không bỏ lỡ thời cơ thâm nhập thị trường Việt Nam khi mở hàng loạt chi nhánh, văn phòng đại diện như: Ngân hàng Commonwealth Bank (Australia), ING (Hà Lan), Barclays (Anh), Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản), Deutsche Bank (Đức), BNP Paribas (Pháp)… Một số ngân hàng "ngoại" còn "nhòm ngó" tới những ngân hàng trong diện yếu kém hoặc tái cơ cấu, với dự định mua lại 100%...

Theo các chuyên gia, những ngân hàng trong diện tái cơ cấu của Việt Nam là "miếng bánh" ngon đối với giới đầu tư nước ngoài, bởi nếu mua lại những ngân hàng này, sẽ không phải loay hoay với việc xin thành lập ngân hàng hay mở rộng mạng lưới vì tận dụng được toàn bộ cơ sở có sẵn của ngân hàng "nội". Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế, để "vực dậy" các ngân hàng này không dễ dàng, vì các ngân hàng đó đều thuộc diện "yếu kém", với những khoản nợ xấu "cồng kềnh", cùng những bất cập không thể xử lý trong một sớm một chiều. Dự kiến, mỗi ngân hàng yếu kém cần ít nhất 3-4 năm để có thể tái cơ cấu thành công, khoảng thời gian không ngắn đối với các ngân hàng "ngoại". Vì vậy, nhiều nhà đầu tư ngoại sẽ phải cân nhắc trước việc có hay không "rót" tiền vào các ngân hàng yếu kém, trong khi, theo một số điều khoản của các hiệp định, cũng như hiệp hội kinh tế khu vực, dự kiến đến năm 2020, các ngân hàng trong khu vực sẽ được phép thành lập tự do tại Việt Nam. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ xem xét việc có nên mua một ngân hàng yếu kém rồi mất ít nhất 3-4 năm không có lãi, tốn nhiều công sức xử lý thay vì chờ đợi tới thời điểm 2020 không còn xa.

Rõ ràng là sau sự kiện hàng loạt các hiệp định tự do thương mại và kinh tế vừa đàm phán thành công, các ngân hàng nước ngoài, nhất là các ngân hàng khu vực sẽ tập trung nhiều hơn vào Việt Nam. Đây được coi là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với hệ thống ngân hàng nội. Song, cái được đối với hầu hết người dân là cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính-ngân hàng đa dạng và hiện đại.

Đức Anh