Hội nghị COP21 đạt được thỏa thuận lịch sử
Thế giới - Ngày đăng : 20:32, 13/12/2015
Chủ tịch COP21 Laurent Fabius gõ búa thông qua thỏa thuận. Ảnh: SG COP21 |
Thỏa thuận đạt được sau 13 ngày đàm phán marathon căng thẳng nhất trong lịch sử của COP, 3 đêm cuối các đoàn đàm phán hầu như thức trắng đêm để làm việc.
Tổng thư ký Liên hợp quốc phát biểu: “Lịch sử sẽ ghi nhớ ngày này...Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại cho hành tinh cũng như nhân loại của chúng ta”.
Bản thỏa thuận Paris lần này có 31 trang, 29 điều khoản, tập trung vào 5 vấn đề lớn và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020 và có những điểm chính sau.
Về mục tiêu, thỏa thuận đặt ra mức trần tăng nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 là không quá 2 độ C, tức nhân loại phấn đấu đến thời điểm đó sẽ giữ cho trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp (cuối thế kỷ 19), đồng thời kèm theo khuyến nghị là “quyết tâm đạt được mức 1,5 độ C”.
Đáng chú ý, thỏa thuận này đã ít nhiều có tính ràng buộc pháp lý, với việc đưa ra cơ chế đánh giá 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 2025.
Về trách nhiệm đóng góp, các nước phương Bắc giàu có vẫn phải gánh trách nhiệm đi đầu. Việc gây quỹ 100 tỷ euro/năm cho đến năm 2020 tiếp tục được khẳng định lại nhưng quan trọng là thỏa thuận Paris xem con số 100 tỷ USD này không đủ và đang kêu gọi tăng thêm. Đến năm 2025 sẽ lại đưa ra được một con số cụ thể khác về đóng góp tài chính.
Thỏa thuận Paris sẽ được lưu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York và để mở trong vòng một năm cho các bên tham gia bắt đầu ký từ ngày 22/4/2016, Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất.
Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực ngay sau khi 55 nước, chiếm 55% lượng khí thải, phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn, thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ 2020. Các nước đều có quyền từ bỏ thỏa thuận, nhưng phải ít nhất là 3 năm sau khi thỏa thuận Paris có hiệu lực.