Bóng chuyền Việt Nam: Chờ đợi sự thay đổi

Thể thao - Ngày đăng : 08:29, 13/12/2015

(HNM) - Một trong những mục tiêu của Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng chuyền nhiệm kỳ 2015-2020 là đổi mới cách thức tổ chức Giải vô địch Bóng chuyền quốc gia theo hướng rút gọn số đội, tăng chất lượng giải đấu. Việc làm này được đánh giá dù muộn nhưng còn hơn không.

Lâu nay, Giải vô địch Bóng chuyền quốc gia vẫn khiến nhiều chuyên gia nước ngoài choáng về quy mô tham dự. Tất nhiên, nhà tổ chức cũng có cái lý của mình, bởi họ biết sức hút của bóng chuyền không thể hơn bóng đá ở nhiều quốc gia hay như bóng rổ, bóng bầu dục ở Mỹ, bóng chày ở Nhật Bản… Số người chơi ít hơn nên số đội bóng được đầu tư mạnh tay, có chất lượng đỉnh cao cũng ít. Vì vậy, chọn 8 đội dự Giải vô địch quốc gia là phù hợp nhằm tạo sự cạnh tranh trong từng trận đấu, tăng sức hút của giải.

Vì những vấn đề cả khách quan và chủ quan, các nhà quản lý bóng chuyền Việt Nam vẫn chưa mạnh tay thay đổi quy mô Giải vô địch quốc gia, dù đã nhìn thấy những bất cập. 12 đội dự Giải vô địch quốc gia nhưng trình độ lại chênh lệch đáng kể, rõ nhất là ở giải nữ. Không ngẫu nhiên mà nhiều người đã nhận định rằng chất lượng Giải vô địch Bóng chuyền nữ quốc gia còn thua cả giải cách đây hơn chục năm. Nhóm mạnh chỉ có 3-4 đội, với trình độ vượt trội so với nhóm dưới. Thông tin Liên Việt Postbank, VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương chẳng mấy khi vất vả tại vòng đấu bảng. Chỉ đến bán kết và chung kết mới gặp những khó khăn thực sự. Ngay như đội nữ Thông tin Liên Việt Postbank liên tiếp vô địch trong những năm gần đây cũng chẳng quá sung sướng gì với những cuộc lên ngôi khá dễ dàng. Trước kia, đội này luôn có đối trọng thật sự là Bưu điện Hà Nội.

Cũng vì sức cạnh tranh yếu nên sức hút của Giải vô địch quốc gia ngày càng suy giảm. Giải đấu chỉ thực sự thu hút đông khán giả từ vòng chung kết. Còn những đơn vị đăng cai vòng bảng luôn phải chấp nhận cảnh đìu hiu bởi những trận đấu tẻ nhạt về chuyên môn. Giải vô địch quốc gia nam dù giàu tính cạnh tranh hơn nhưng vòng đấu bảng cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Cũng vì thế, việc rèn giũa chuyên môn cho cầu thủ, tìm nhân tố mới cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong khi Giải vô địch quốc gia có nhiều đội tham dự như vậy thì Giải Bóng chuyền hạng A (hạng ngay dưới Giải vô địch quốc gia) lại ít đội. Giải nam có 10 đội trong khi giải nữ chỉ có 6 đội. Đấy là nghịch lý vì thường thì giải hạng dưới sẽ nhiều đội hơn giải hạng trên. Chỉ có vậy giải hạng trên mới giàu tính cạnh tranh, hấp dẫn người xem.

Chính tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Văn Thành đã nói sau khi nhậm chức rằng muốn bóng chuyền có nhiều người quan tâm phải tạo ra những "sản phẩm" tốt. Giải vô địch Bóng chuyền quốc gia chính là một trong những "sản phẩm" chủ đạo để Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chào hàng các nhà tài trợ cũng như thu hút nhiều hơn người hâm mộ. Trong lộ trình của mình, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã dự tính sẽ giảm số đội tham dự Giải vô địch Bóng chuyền nam, nữ quốc gia xuống còn 8 đội từ mùa giải 2017 với thể thức thi đấu có thể thay đổi so với hiện nay (đánh vòng bảng theo 2 vòng, rồi chọn đội dự vòng chung kết, vòng thi đấu tranh vé trụ hạng).

Nhưng quan trọng vẫn là chất lượng đào tạo ở các CLB để tạo nên sức cạnh tranh thật sự trong từng trận đấu. Nếu không thay đổi chất lượng đào tạo thì kể cả khi rút gọn số đội thì sự chênh lệch vẫn đáng kể dù sức cạnh tranh có tăng lên.
Minh An