“Sức mạnh” bị quên lãng

Văn hóa - Ngày đăng : 08:22, 13/12/2015

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên, gần đây câu chuyện về sự cần thiết phải có index (mục từ khóa được sắp xếp theo vần đánh kèm số trang ở cuối mỗi cuốn sách) đối với những tác phẩm non-fiction (phi hư cấu) được giới chuyên môn lên tiếng nhiều hơn.

Trong điều kiện xuất bản cả nước đang tiếp cận dần với chuẩn mực xuất bản thế giới thì những chuyện như index không nên xem là chuyện có cho vui, đặc biệt nó còn có ý nghĩa không nhỏ trong việc bồi đắp văn hóa đọc, xây dựng phương pháp học tập theo tinh thần tự nghiên cứu, khoa học, hiệu quả. Xin tiếp cận câu chuyện index từ các tác phẩm dành cho thiếu nhi - lứa tuổi rất cần được hướng dẫn, sử dụng công cụ khoa học phổ biến này.

Nếu sách có phần index, bạn đọc có thể tìm kiếm nội dung mình quan tâm một cách khoa học và nhanh nhất. Ảnh: Bảo Lâm



Index có trước, google có sau

Thời hiện đại, có câu "cái gì không biết thì tra google", nhưng thực tế index - hiểu nôm na là danh sách các từ khóa được sắp xếp theo vần, đánh dấu số trang trong cuốn sách để phục vụ việc tra cứu thông tin liên quan đến từ khóa đó, đã được xem là một dạng google từ khi nó xuất hiện trong các cuốn sách ở Châu Âu cách nay chừng 5 thế kỷ. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản thì sau đó index được xem là quy chuẩn của xuất bản Châu Âu từ thế kỷ XVIII. Một cách giản dị thì index không khác gì phần "hồn" của cuốn sách. Nắm được hệ thống các từ khóa này cũng có nghĩa là nắm được tinh thần cuốn sách.

Sự cần thiết của index ngoài lẽ dễ hiểu như trên là giúp tra cứu nhanh thì quan trọng là công cụ này giúp hình thành thói quen, phương pháp tự học - điều được xem là yếu tố quan trọng cho sự học của học sinh và sinh viên nói chung. Chưa kể, trong nhiều trường hợp đó còn là một phần không thể tách rời của ấn phẩm, vì thế nó thuộc về bản quyền của tác phẩm khi ta chuyển ngữ, xuất bản. Những người làm xuất bản cũng thừa nhận chi phí cho phần index không phải là khó khăn mà chính là thói quen cũng như thái độ làm sách bản quyền, làm sách khoa học cũng như việc tôn trọng các tiêu chuẩn về xuất bản mới là lý do chính trong việc có thực hiện hay không nội dung này.

Sự thực là cho đến nay, trong các cuốn sách của nước ngoài mà giới xuất bản nước ta nghiên cứu để chuyển ngữ thì phần index là phần hiển nhiên. Tiếp cận hàng loạt sách gốc của nước ngoài dạng phi hư cấu mà NXB Kim Đồng đã dịch hoặc chưa xuất bản thì đều thấy có mục index, từ sách cho tuổi nhi đồng đến sách cho thiếu niên. Có những bộ như "Reading about" (giúp trẻ nhỏ đọc, tìm hiểu về các loài vật) thì phần index có khi chỉ chừng 50 từ. Nhưng cũng có những bộ như "Our Bodies" (tìm hiểu cơ thể người) cho thiếu niên, phần index có thể là hàng trăm từ hoặc nhiều hơn tùy vào độ dày và nội dung cuốn sách.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa giáo dục Long Minh, đơn vị nhiều năm qua theo đuổi việc xuất bản sách khoa học cho thiếu nhi chia sẻ với Hànộimới: "Với sách mẫu giáo của nước ngoài mà chúng tôi mua bản quyền thì các cháu đã được làm quen với index. Trong khi sinh viên ở ta nhiều người lại không biết tra cứu thông qua công cụ này. Rõ ràng sự thiếu hụt này sẽ khiến việc đọc kém hiệu quả đi nhiều. Chưa kể, hôm nay sinh viên không biết dùng index khi đọc thì sau này ta cũng khó có thể có những người làm khoa học thực sự".

Không chỉ là tra cứu

Ở ta những năm qua cũng có nhiều NXB chú trọng việc tìm kiếm, xuất bản sách kiến thức, đặc biệt là sách khoa học cho trẻ đã bảo đảm chặt chẽ phần index ở cuối mỗi cuốn sách. Có thể kể đến NXB Kim Đồng, Công ty cổ phần Văn hóa giáo dục Long Minh với các đầu sách mua bản quyền của DK (Dorling Kindersley Book), đơn vị xuất bản uy tín của Anh hay NXB Phụ nữ, rồi NXB Trẻ, NXB Tri thức và một số đơn vị làm sách tư nhân khác…

Ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Đông A cho biết, đơn vị đã làm sách có index từ cách đây hơn 10 năm và có thể thấy việc làm index với những cuốn sách phi hư cấu cho độc giả nói chung, trẻ em nói riêng là việc hiển nhiên của xuất bản sách. Bộ sách quý của tác gia trong nước là "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú do NXB Trẻ ấn hành cũng đã rất công phu trong việc làm index với tên gọi là "Bảng tra cứu". Đây không phải là sách dành riêng cho thiếu nhi, nhưng dễ thấy nhiều học sinh cấp hai, cấp ba hoàn toàn có thể sử dụng những cuốn sách quý này để mở rộng kiến thức về khoa học lịch sử, văn hóa, xã hội nước nhà.

Tuy nhiên, có thể thấy cách gọi công cụ này ở mỗi đơn vị, mỗi cuốn sách ở ta lại có khác nhau, ví như ở cuốn "Donkéo - Bách khoa thư thế hệ mới" (NXB Kim Đồng) thì mục này có tên "Tra cứu theo vần"; ở cuốn "Cờ vua - Hãy chơi để chiến thắng" (NXB Kim Đồng) thì có ghi Sách dẫn (index); hoặc cuốn "Atlas" cho trẻ em của Đông A và NXB Văn hóa Sài Gòn thì ghi "Bảng chú dẫn"; cuốn "1.000 từ Anh - Việt đầu tiên" của NXB Phụ nữ mua bản quyền của Usborne viết là "Danh mục từ - Words in order". Và một số cuốn khác lại ghi "Chỉ mục"… Đây có thể cũng là một câu chuyện phải bàn thêm đối với những người làm xuất bản. Có thể cũng cần có một khái niệm nào đó thống nhất hơn để chỉ index nhằm góp phần chuẩn hóa các phần thiết yếu trong một cuốn sách dạng này?.

Bên cạnh những đơn vị làm sách có index, cũng có thể tìm thấy khá nhiều cuốn sách hay của ta nhưng chưa có phần này. Thay vì nhờ vào index để tìm kiếm nội dung mình quan tâm, người đọc phải lục lọi trong hàng chục, hàng trăm trang sách, vừa mất thời gian vừa kém hiệu quả. Có ý kiến cho rằng, đây không chỉ là vấn đề cốt lõi của một cách đọc đúng mà còn là một yếu tố để chuyển từ học thụ động sang học chủ động, từ đó biết xử lý tư liệu, công việc một cách khoa học.

Vậy nên, những trang index nằm khiêm tốn ở cuối mỗi trang sách có sức mạnh nhiều hơn ta tưởng, nhất là khi nó đặc biệt cần cho việc đọc và tư duy tự học, tự nghiên cứu cho bạn đọc, trong đó có bạn đọc nhỏ.

Hà Dương