Bài học của chị Lan

Xã hội - Ngày đăng : 08:14, 13/12/2015

Bố tôi bảo:


Nhà tôi có hai chị em, tôi tên là Chi, còn Lan là tên chị gái tôi. Chú Hòa làm cùng cơ quan với bố tôi. Chú rất thích những chiếc bình gốm do ông tôi làm. Lần nào sang nhà tôi chơi chú cũng ngắm nghía và tấm tắc khen đôi bình gốm của nhà tôi. Nghe bố nói vậy, mẹ bảo:

- Đúng rồi, để Lan về cùng bố. Do ngồi nhiều nên dạo này ông hay bị đau lưng, con nhớ mang thuốc bổ về biếu ông. Anh nhớ nhắc ông làm việc ít thôi. Ông già rồi, nên tìm người truyền nghề thôi.
- Cháu thì không có ai theo nghề của ông rồi. Hình như ông định chọn con trai chú Hải cùng làng để truyền nghề đấy. Anh thấy thằng bé có vẻ rất yêu nghề - bố nói.
Chị Lan vẫn lặng im, dường như chị không vui. Vì chị không thích về quê. Như đã đoán được suy nghĩ ấy của chị Lan, bố nheo mắt hỏi:
- Sao vậy, con gái?
Lần nào cũng vậy, chị Lan rất ngại nói với bố rằng chị ấy không muốn về quê, sợ bố mẹ lại bảo là không biết thương ông bà nội. Lần này, chị Lan ngập ngừng nói:
- Dạ… mai là sinh nhật Hương, bạn thân của con. Con muốn đến dự sinh nhật bạn ấy.
- Và chị sẽ đi hát, đi chơi điện tử hay đi trượt patin, đúng không? - Tôi chen ngang, vì tôi rất hiểu chị Lan mà.
Mẹ nhíu mày nhìn tôi rồi quay sang chị Lan:
- Sao con lại thích những trò ấy nhỉ? Con mới là học sinh lớp sáu thôi đấy.
Nghe mẹ nói, tôi xen vào:
- Mẹ ơi, để chị ở nhà, cho con đi với bố, mẹ nhé.
- Con không được hư như thế, để mẹ nói chuyện với chị.

Tôi lanh chanh như vậy bởi tôi đã hình dung ra xưởng gốm của ông nội tôi. Tôi sẽ được thỏa sức nghịch ngợm, sẽ được nặn đủ thứ mà tôi thích. Rồi vẽ trang trí nữa. Tôi sẽ cùng anh Tuấn - con chú Hải, học trò của ông tôi - làm thật nhiều đồ đẹp. Anh Tuấn bằng tuổi chị Lan tôi, khéo tay lắm. Lúc ông tôi bận, anh Tuấn sẽ hướng dẫn tôi. Tôi sẽ làm một cái bình hoa thật đẹp. Tôi sẽ nặn một chú vịt ngộ nghĩnh, một cái cốc thật to và vẽ một cái mặt mếu để tặng bạn Hoa ngồi cùng bàn với tôi. Vì Hoa hay khóc nhè…

Lò gốm nhà ông có từ rất lâu rồi. Hằng ngày, các đoàn khách du lịch, cả người nước ngoài nữa đến tham quan công việc làm gốm. Tôi rất thích xem ông làm việc. Tay ông nhào đất, đưa vào bàn xoay, nhè nhẹ ấn ngón tay xuống miếng đất đang quay tròn… Chẳng mấy chốc miếng đất trở thành lọ hoa, chiếc cốc, chiếc bình… Vừa làm, ông vừa kể cho tôi nghe về nghề truyền thống của làng. Ông thường bảo: Giờ buôn bán, đi lại dễ dàng nên hàng hóa nhiều lắm. Hàng Tàu, hàng Tây tràn ngập nhưng nghề của ông bà mình vẫn sống được, cháu có biết vì sao không?
- Vì ông làm đẹp, lại bán rẻ ạ?
- Không hẳn thế đâu. Lý do quan trọng nhất là vì còn nhiều người thích dùng đồ gốm làng mình. Nó được làm từ đất quê hương và mang hồn dân tộc ở những hình trang trí này này. Người nước ngoài mua đồ gốm của mình vì họ muốn mang văn hóa Việt về làm kỷ niệm.

Tôi không hiểu lắm, nhưng điều tôi nhận ra rõ nhất là tình yêu ông dành cho nghề gốm.

Công đoạn vẽ trang trí mới thật sự hấp dẫn tôi. Với cây bút lông trên tay, ông vẽ chim muông, cây cỏ, con người. Những lúc ấy, tôi như bị thôi miên. Tôi không biết vẽ nét mà thường nhờ ông vẽ rồi tôi tô màu. Ông nội bảo làm đồ gốm là phải sáng tạo và chăm chỉ, kiên trì, nghiêm túc. Đặc biệt là cần có đôi tay tài hoa và lòng yêu nghề tha thiết. Tôi vẫn thường mang những món đồ mình làm đến lớp khoe với các bạn. Hè năm ngoái tôi còn làm được lọ hoa rất đẹp để tặng lớp tôi. Tất nhiên là phải có sự trợ giúp của anh Tuấn nữa…

Nghĩ đến đó, tôi quay sang nài nỉ bố, nhưng bố không đồng ý. Bố bảo:

- Nghỉ hè bố sẽ cho con về chơi lâu hơn. Lần này đi về trong ngày, con đi thì sẽ bị mệt. Lâu rồi chị Lan không về quê, bố muốn chị về. Bố biết vì sao chị Lan không muốn về và bố mẹ rất không vui vì điều đó.
Tôi biết bố muốn nói gì, vì chị Lan vẫn thường bảo: "Làm đồ gốm bẩn và mất thời gian, con không thích!". Chị nói vậy vì lần nào về quê ông nội cũng bảo: "Lan xuống xưởng xem ông làm. Ông không bắt cháu phải theo nghề ông, nhưng ông muốn cháu biết nghề gốm đáng quý thế nào. Để cháu biết quý cái nghề tổ, nghề đã nuôi bố cháu khôn lớn nên người…".

Rồi bố nói thêm:
- Lan nên về quê nhiều để thay đổi không khí. Bố thấy con cần bớt chơi điện tử đi. Chơi trò chơi dân gian, hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ sẽ làm con biết yêu nghề truyền thống của gia đình, yêu quê hương.
Tôi biết bố nói thế là bố giận chị Lan rồi. Mẹ nhìn chị Lan bằng ánh mắt nghiêm khắc. Chị Lan cúi đầu lí nhí:
- Vâng! Mai con về quê thăm ông bà…
- Con nên gửi quà sinh nhật cho bạn Hương - bố nhắc.
- Dạ! Ngày kia mới tới sinh nhật bạn ấy… Lúc nãy, con nhớ nhầm ạ.
Tôi nghe giọng chị nghẹn lại, biết là chị đã thấm thía với cái sai của mình rồi.

Nguyễn Đan Thi