Từ kilometre zero ở Paris nghĩ về cột mốc số 0 Hà Nội

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:45, 13/12/2015

(HNM) - Đến thủ đô Paris nước Pháp, du khách thường không bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng các công trình nổi tiếng như Tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre, Khải hoàn môn, Nhà thờ Đức Bà... Và chúng tôi đã đến Nhà thờ Đức Bà Paris vào một ngày mùa thu Châu Âu.

Cột mốc số 0 trước Nhà thờ Đức Bà Paris.



Nhà thờ Đức Bà Paris là một địa danh nổi tiếng thế giới. Thế hệ chúng tôi hơn nửa thế kỷ trước đã biết đến Nhà thờ Đức Bà qua tác phẩm văn học "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" của nhà văn Pháp Victor Hugo. Còn giờ đây, tôi đang đứng trước Nhà thờ Đức Bà Paris cổ kính, tráng lệ, lung linh soi bóng xuống dòng sông Seine thơ mộng, với bề dày lịch sử 852 năm. Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn như mọi khi, du khách tấp nập, không khí thanh bình, từng đàn chim bồ câu xà xuống như mừng vui chào đón du khách. Dòng người vui vẻ nhẫn nại xếp hàng chờ vào Thánh đường chiêm ngưỡng và hành lễ. Không nhiều du khách quan tâm đến tấm bảng bằng đồng có chu vi hơn 1m nằm trên mặt sàn quảng trường rộng thênh thang trước nhà thờ. Đó chính là tấm bảng điểm cây số 0, hay cột mốc số 0 mà chúng tôi tò mò tìm đến.

Điểm cây số 0 của nước Pháp được đánh dấu ở sân trước Nhà thờ Đức Bà, có tọa độ địa lý 48,85341ON, 2,34880OE ghi dòng chữ KILOMETRE ZERO DE FRANCE. Đây chính là điểm giữa, cũng là trung tâm lịch sử của thành phố Paris. Được biết, tấm bảng này đã có mặt nơi đây hàng trăm năm nay và nghiễm nhiên trở thành nhân chứng lịch sử, chứng kiến sự đổi thay và thăng trầm về công trình tiêu biểu của kinh đô ánh sáng Paris, cùng những câu chuyện buồn vui của hơn 14 triệu du khách hằng năm đến với Paris và Nhà thờ Đức Bà. Nghiêng mình thả một đồng tiền xu vào "Cột mốc số Không" trên quảng trường Nhà thờ Đức Bà, hai bàn tay chắp trước ngực, tôi cầu nguyện có một ngày sẽ trở lại Paris với Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng này.

Trong trạng thái cảm xúc đặc biệt, tôi nhớ đến những cột mốc đặc biệt ở Việt Nam mà mình từng đặt chân đến. Núi Rồng đây, còn kia là lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 các dân tộc anh em của Tổ quốc tôi đang phấp phới trên đỉnh cột, chính là một trong những cột mốc đặc biệt trên dải đất hình chữ S - cột cờ Lũng Cú - Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc. Mùa này hoa tam giác mạch đang nở rộ khắp miền biên viễn. Từng đoàn du khách từ bốn phương đổ về Hà Giang, không chỉ để thưởng ngoạn, khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng mà còn say sưa, ngây ngất chiêm ngưỡng, đùa giỡn với những cánh đồng hoa tam giác mạch, một loài hoa đặc trưng của vùng núi cao, đang làm say đắm lòng biết bao cô gái, chàng trai và tất cả những ai biết yêu và thưởng thức hoa.

Trưởng trạm Biên phòng Lũng Cú hướng dẫn chúng tôi lên đỉnh cột cờ. Với độ cao 1.700m so với mực nước biển, đỉnh Núi Rồng của xã Lũng Cú tỉnh Hà Giang là nơi định vị cột cờ Lũng Cú, có tọa độ 23O21'49'' vĩ độ Bắc, 105O18'58'' kinh độ Đông, nơi điểm cực Bắc Việt Nam. Để lên đỉnh cột cờ chúng tôi đã vượt qua 389 bậc đá theo vòng xoáy ốc và 140 bậc trong lòng cột cờ. Từ trên cao nhìn xuống, một dải biên cương hiện ra trước mắt là những ngôi nhà nho nhỏ xinh xinh của bà con người dân tộc Lô Lô, Mông, Dao… nhấp nhô sau những tán cây rừng xanh ngắt.

Cũng trên vùng núi cao này còn có cột mốc xa nhất phía Bắc, đó là cột mốc biên giới 428 giữa Việt Nam và Trung Quốc, ở mỏm đất cực Bắc uốn thành một vòng cung theo đường cong Nho Quế, từ đây, dòng sông Nho Quế chảy vào Việt Nam. Lại có những cột mốc rất thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam như cột mốc ngã ba biên giới mà mọi người quen gọi là nơi con gà gáy ba nước cùng nghe. Đó là cột mốc A Pa Chải điểm cực Tây của Việt Nam, thuộc xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, giáp ranh giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, có tọa độ 22O23'53" vĩ độ Bắc 102O8'51" kinh độ Đông, nơi có nhiều bà con dân tộc Hà Nhì sinh sống. Lại có cột mốc biên giới không số với tên gọi quen thuộc ngã ba Đông Dương hay ngã ba Tam Biên, giữa Việt Nam (tỉnh Kon Tum) - Lào (tỉnh Atopơ) và Campuchia (tỉnh Ratanakiri) ở tọa độ 13O41'09" vĩ độ Bắc và 107O33'27" kinh độ Đông, vùng đất có nhiều bà con dân tộc Xơ Đăng, Bana, Gia Rai sinh sống.

Theo thông lệ, các cột mốc biên giới đều chỉ có hai mặt, mỗi mặt ghi số hiệu và quốc hiệu, quốc huy hai nước giáp ranh nhau, nhưng ở Việt Nam có tới hai cột mốc biên giới ba mặt, vì vậy cột mốc không số tại ngã ba Đông Dương ở Kon Tum quay mặt về 3 hướng Việt Nam - Lào - Campuchia còn cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải ở Điện Biên có 3 mặt hướng về phía Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

Nằm tại dãy núi Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, đỉnh Fansipan còn được biết đến với cái tên nóc nhà Đông Dương. Nơi đây cũng có cột mốc được làm dạng hình chóp với 3 mặt. Trên ba mặt của cột mốc này đều khắc biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam với dòng chữ Fansipan 3.143m. Đỉnh Fansipan hùng vĩ với cột mốc 3.143m là địa danh luôn thu hút du khách đến khám phá và chinh phục trong năm.

Riêng con đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện cũng có một cột mốc mang tên cột mốc số 0 với ý nghĩa là điểm khởi đầu của tuyến đường 559 ở thị trấn Lạt thuộc huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An. Nơi đây còn có cả tấm bia kỷ niệm mang tên: "Mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn", là nơi những cựu chiến binh và du khách luôn chọn làm điểm đến cho các chuyến về nguồn. Lại có cột mốc đặc biệt nữa là cột mốc tọa độ quốc gia ở cực Nam Tổ quốc được xây dựng tại xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tọa độ 8O34' (hoặc 8O30') độ vĩ Bắc, 104O40' (hoặc 104O50') độ kinh Đông. Trên cột mốc có hình ngôi sao năm cánh màu vàng với số hiệu GPS (định vị toàn cầu) 0001. Mặc dù đã đến nhiều cột mốc mang nhiều con số khác nhau như cột mốc số 0, số 428, lại có cột mốc không số, nhưng cột mốc có số hiệu 0001 (có văn bản ghi thêm là cột mốc số 0) tại mốc tọa độ quốc gia Cà Mau thì hơi hiếm.

Đã hơn một lần chúng tôi đến đất mũi Cà Mau, mảnh đất tận cùng đất nước ở phía Nam. Và cứ mỗi lần đến đây chúng tôi đều sững sờ, ngạc nhiên về sự thay đổi vị trí của tọa độ mũi Cà Mau. Thực ra, cột mốc tọa độ quốc gia mũi Cà Mau vẫn nguyên chỗ cũ, nhưng bờ biển ngày càng lấn ra xa. Giải thích hiện tượng này theo các nhà địa chất thì bãi biển Khai Long (rồng mở) nơi đặt cột mốc tọa độ quốc gia mũi Cà Mau là một bãi biển bồi, nên hằng năm đất mũi được biển bồi đắp cứ dần dần tiến ra biển hàng trăm mét cùng những hàng cây đước, sú, vẹt… tạo nên một vùng đất mới. Cột mốc tọa độ quốc gia mũi Cà Mau không phải là cột mốc biên giới và lại càng không phải là cột mốc số 0. Chính điều này giải thích tại sao trên cột mốc có ghi rõ mũi Cà Mau - mốc tọa độ quốc gia - GPS - 0001.

Nói đến cột mốc số 0 tôi nhớ lại cách đây 50 năm, khi còn nhỏ tuổi, chúng tôi thường đánh đố nhau - từ thị xã Hà Đông đến Hà Nội bao nhiêu cây số? Người thì nói 10km, người thì 1km, thậm chí có người cho rằng chỉ vài chục mét. Mà đúng thật, ngày trước, khi chưa hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội thì chỉ qua cầu Sông Nhuệ vài chục mét từ Hà Đông đã là đất Hà Nội rồi. Vấn đề đặt ra ở đây là phải có một điểm nào đó để xác định xa gần. Cột mốc và chỉ là cột mốc, mà phải là cột mốc số 0 mới có thể nói chính xác được. Vì vậy khi đặt chân đến Paris, tôi đã đến cột mốc số 0 trước Nhà thờ Đức Bà. Và khi trở về Hà Nội tôi cũng cố gắng tìm xem cột mốc số 0 của Thủ đô hiện ở đâu. Trước đây tôi cũng nghe phong thanh về cột mốc này. Khi ấy tôi cứ nghĩ rằng cột mốc ở ngay Bưu điện Bờ Hồ trên đường Đinh Tiên Hoàng. Nhưng mới đây được biết có người khẳng định rằng cách đây cả trăm năm người Pháp đã có đặt cột mốc số 0 (Km 0) tại tòa Đốc lý, nay là trụ sở UBND thành phố, nhưng hiện không còn thấy nữa. Vậy là nhiều cuộc truy tìm cột mốc số 0 đã diễn ra, nhưng bất thành. Vì vậy cột mốc số 0 ở Thủ đô Hà Nội hiện nay vẫn là ẩn số.

Đối với du khách trong và ngoài nước, việc chụp hình chung với những cột mốc địa danh ở bất cứ đâu thật sự là kỷ niệm đáng nhớ trong mỗi chuyến đi. Những cột mốc biên giới, cột mốc tọa độ hay cột mốc số 0... luôn là những điểm dừng chân với nhiều ý nghĩa. Vì vậy, cột mốc số 0 ở Thủ đô Hà Nội lại càng rất nên có và mong nó được dựng lại càng sớm càng tốt. Tôi đã nghĩ như vậy khi chân vẫn đứng bên tấm bảng ghi cột mốc số 0 trước Nhà thờ Đức Bà Paris - Pháp.

Vũ Đình Quý